Vốn điều lệ công ty cổ phần khi thành lập là bao nhiêu?
Mục lục
Vốn điều lệ công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty. Doanh nghiệp tự quyết định vốn điều lệ của mình, tùy thuộc vào ngành nghề đăng ký và khả năng tài chính.
Vốn điều lệ công ty cổ phần là gì?
Vốn điều lệ của công ty là tổng tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
Tài sản góp vốn được quy định cụ thể trong Luật doanh nghiệp 2020. Theo đó, tài sản góp vốn có thể là đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng đồng Việt Nam.
Vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty. Vốn điều lệ của công ty có thể tăng hoặc giảm trong quá trình hoạt động kinh doanh. Khi có sự thay đổi vốn điều lệ, công ty cần thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Mức vốn điều lệ khi thành lập công ty cổ phần là bao nhiêu?
Tương tự các loại hình doanh nghiệp khác, cá nhân, tổ chức có quyền thành lập công ty cổ phần nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định. Trừ ngành nghề mà pháp luật có yêu cầu mức vốn tối thiểu khi đăng ký thì doanh nghiệp có quyền tự do quyết định vốn điều lệ khi thành lập.
Mức vốn điều lệ của công ty phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Năng lực tài chính của các cổ đông;
- Quy mô và lĩnh vực hoạt động của công ty;
- Giá trị hợp đồng ký kết với đối tác;
- Các khoản chi phí cần thiết trên thực tế để công ty hoạt động.
Đối với các ngành nghề yêu cầu vốn pháp định hoặc yêu cầu ký quỹ thì vốn điều lệ khi đăng ký phải thỏa mãn mức tối thiểu theo quy định của pháp luật. Do đó trước khi thành lập, thương nhân cần tìm hiểu các quy định có liên quan.
Hình thức góp vốn/ thanh toán cổ phần đã đăng ký mua
Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản nêu trên mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.
Đối với từng loại tài sản sẽ có hình thức góp vốn tương ứng, cụ thể như sau:
Đối với tiền mặt
Cổ đông là cá nhân có thể thực hiện góp trực tiếp bằng tiền mặt hoặc qua phương thức chuyển khoản vào tài khoản của công ty; cổ đông là tổ chức góp vốn bằng hình thức chuyển khoản. Sau khi thành lập công ty liên hệ ngân hàng được thành lập hợp pháp tại Việt Nam đăng ký mở tài khoản. Lưu ý, tài khoản của công ty phải được thông báo cho Cơ quan thuế quản lý của công ty theo quy định.
Đối với tài sản
- Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;
- Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản.
Thủ tục góp vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập
Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày. Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần các cổ đông đã đăng ký mua.
Nếu sau thời hạn 90 mà cổ đông chưa thanh toán đủ sẽ xử lý như sau:
– Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty. Và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác.
– Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua sẽ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán. Không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác.
– Số cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán.