Các thủ tục sau khi thành lập doanh nghiệp
Mục lục
Các thủ tục sau khi thành lập doanh nghiệp bao gồm: kê khai thuế môn bài, treo biển hiệu tại trụ sở công ty, mở tài khoản ngân hàng, khắc dấu và thông báo mẫu dấu, xin giấy phép con,… Cần chú ý thời hạn của mỗi thủ tục để sắp xếp tiến hành phù hợp, tránh sai phạm không đáng có.
Các thủ tục sau khi thành lập doanh nghiệp
Sau khi làm thủ tục thành lập doanh nghiệp và nhận giấy chứng nhận, doanh nghiệp cần tiến hành các công việc sau:
Kê khai và nộp thuế môn bài
Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp phải kê khai và nộp thuế môn bài chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động kinh doanh hoặc nếu Doanh nghiệp chưa có hoạt động sản xuất kinh doanh thì thời hạn nộp tờ khai thuế môn bài chậm nhất là trong vòng 30 ngày, kể từ ngày nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Căn cứ vào Nghị định 22/2020/NĐ-CP quy định miễn nộp lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01/01 đến ngày 31/12) đối với:
- Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới);
- Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh;
- Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí môn bài.
Treo biển hiệu công ty
Sau khi thành lập, công ty cần treo biển tại trụ sở công ty, biển công ty phải thể hiện thông tin về tên công ty, địa chỉ, số điện thoại của công ty. Tránh trường hợp khi cơ quan thuế xuống kiểm tra trụ sở sẽ thông báo doanh nghiệp không hoạt động tại trụ sở và không cho doanh nghiệp đăng ký sử dụng hoá đơn.
Mở tài khoản ngân hàng
Từ ngày 01/05/2021 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT có hiệu lực hướng dẫn Nghị định 01/2021/NĐ-CP về biểu mẫu đăng ký DN cụ thể:
Bỏ thông tin tài khoản ngân hàng trong giấy đề nghị đăng ký DN. Tại phần thông tin đăng ký thuế không còn thông tin số tài khoản ngân hàng. Do vậy, “số tài khoản ngân hàng” không phải là “thông tin đăng ký thuế“
Bỏ thông tin tài khoản ngân hàng trong thông báo thay đổi nội dung đăng ký DN. Trước đây khi thông báo số tài khoản ngân hàng thì sử dụng mẫu thông báo thay đổi nội dung đăng ký DN, tuy nhiên hiện nay biểu mẫu này không còn thông tin số tài khoản.
Khắc dấu và Đăng ký Chữ ký số của DN:
Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định Dấu của DN bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Đồng thời, từ 01/01/2021, DN không cần phải thông báo mẫu con dấu cho Phòng đăng ký kinh doanh, thay vào đó có thể tự quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của DN (chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của DN).
Lập sổ đăng ký thành viên, sổ đăng ký cổ đông:
DN phải lập sổ đăng ký thành viên đối với Công ty TNHH, sổ đăng ký cổ đông đối với Công ty Cổ phần ngay sau khi có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và lưu trữ tại trụ sở chính DN hoặc trung tâm lưu ký chứng khoán đối với sổ đăng ký cổ đông.
Xin giấy phép kinh doanh
Đối với những ngành nghề kinh doanh mà pháp luật quy định phải có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh,… gọi chung là giấy phép con, doanh nghiệp phải xin phép và chỉ được hoạt động sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Kê khai thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp mới thành lập
Một trong những việc quan trọng đối với hoạt động kinh doanh đó là kê khai thuế GTGT. Với những doanh nghiệp mới thành lập, cần lựa chọn phương thức nộp thuế cẩn thận tùy theo nhu cầu và điều kiện công ty. Hiện nay có hai phương pháp tính thuế GTGT đó là khấu trừ thuế và nộp trực tiếp.
Nộp theo phương thức khấu trừ
Đây là phương thức nộp thuế được áp dụng mặc định cho những doanh nghiệp mới thành lập. Hồ sơ kê khai thuế theo cách thức này gồm những chứng từ sau:
- Tờ khai thuế GTGT theo mẫu 01/GTGT.
- Bảng kê hóa đơn.
- Chứng từ mua bán hàng hóa theo mẫu 01-2/GTGT.
- Báo cáo sử dụng mẫu hóa đơn BC26 theo tháng hoặc quý.
- Sau khi xem xét và lựa chọn hình thức khấu trừ thuế GTGT. doanh nghiệp gửi tờ khai thuế GTGT mẫu 01/GTGT, 02/GTGT đến cơ quan thuế.
Nộp theo phương thức trực tiếp
Trường hợp doanh nghiệp nộp thuế theo phương pháp trực tiếp, doanh nghiệp cần gửi đến cơ quan thuế hai tờ khai thuế theo mẫu 04/GTGT, 36/GTGT.
Thời hạn kê khai và nộp thuế
Thời hạn kê khai và nộp thuế GTGT rất quan trọng. Nếu doanh nghiệp thực hiện trễ sẽ bị phạt tương đối nặng. Không chỉ những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh, những công ty nào mới thành lập và chưa phát sinh bất cứ hoạt động nào vẫn phải nộp tờ khai thuế GTGT đến cơ quan thuế.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam về các thủ tục sau khi thành lập doanh nghiệp. Đây là lưu ý mà bạn nên biết để quá trình đăng ký thành lập doanh nghiệp thuận lợi. Để được tư vấn thêm, vui lòng liên hệ Phan Law theo thông tin dưới đây: