Hướng dẫn thủ tục đăng ký địa điểm kinh doanh tại TP.HCM
Mục lục
Thủ tục đăng ký địa điểm kinh doanh là thủ tục pháp lý doanh nghiệp bắt buộc đối với các doanh nghiệp có nhu cầu mở địa điểm mới phục vụ hoạt động kinh doanh của mình. Thông thường, các doanh nghiệp đều có xu hướng mở địa điểm kinh doanh tại các thành phố trọng điểm kinh tế như TP.HCM. Cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu thêm cách thức đăng ký địa điểm kinh doanh tại TP.HCM ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp là gì?
Địa điểm kinh doanh là một trong những đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, là nơi mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể. Cần lưu ý một số đặc điểm hoạt động đối với địa điểm kinh doanh như sau:
- Không có con dấu và mã số thuế riêng; phải hạch toán phụ thuộc vào doanh nghiệp chính, sao kê tập trung
- Vẫn phải nộp thuế môn bài khi mở địa điểm kinh doanh
- Chỉ được hoạt động một số ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp đã đăng ký
- Không được đăng ký sử dụng hóa đơn
- Chỉ hoạt động kinh doanh, không đứng tên riêng trên các hợp đồng thương mại
- Chỉ thực hiện các hoạt động kinh doanh theo yêu cầu của doanh nghiệp
Thủ tục đăng ký địa điểm kinh doanh tại TP.HCM
Thực tế, bạn không phải thực hiện thủ tục đăng ký địa điểm kinh doanh phức tạp như thành lập doanh nghiệp. Bạn chỉ cần tiến hành thông báo hoạt động của địa điểm kinh doanh đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể, theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ-CP:
“2. Thông báo lập địa điểm kinh doanh
a) Doanh nghiệp có thể lập địa điểm kinh doanh tại địa chỉ khác nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh;
b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi thông báo lập địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh;
c) Thông báo lập địa điểm kinh doanh do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký trong trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp hoặc do người đứng đầu chi nhánh ký trong trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh.”
Sau khi nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền phải cấp giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh cho doanh nghiệp trong thời gian 03 ngày làm việc. Đồng thời, cập nhật thông tin về địa điểm kinh doanh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp.
Một số lưu ý khi thực hiện thủ tục đăng ký địa điểm kinh doanh
Để đưa địa điểm kinh doanh đi vào hoạt động, bạn cần lưu ý về hình thức đặt tên địa điểm kinh doanh, cũng như hoàn tất nghĩa vụ thuế đối với đơn vị phụ thuộc này.
Việc đặt tên cho địa điểm kinh doanh cần đảm bảo phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu; đồng thời kèm theo cụm từ “Địa điểm kinh doanh”. Ngoài tên bằng tiếng Việt, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt. Tên bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Tên viết tắt được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.
Về mức thuế môn bài đối với đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp như địa điểm kinh doanh được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP: “Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 đồng/năm.”