Giấy phép thành lập doanh nghiệp là giấy đăng ký doanh nghiệp?
Mục lục
Giấy phép thành lập doanh nghiệp và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là hai loại tài liệu pháp lý doanh nghiệp hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều người đang nhầm lẫn về ý nghĩa của hai loại giấy này. Để giúp bạn đọc nắm rõ hơn các quy định pháp lý về giấy phép thành lập cũng như giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chúng tôi sẽ tổng hợp các thông tin pháp lý hiện hành liên quan ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Giấy phép thành lập doanh nghiệp là gì?
Giấy phép thành lập doanh nghiệp là từ ngữ thông thường dùng để chỉ giấy chứng nhận doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động kinh doanh ở một, hay nhiều loại ngành nghề có điều kiện. Tùy thuộc vào điều kiện kinh doanh mà pháp luật yêu cầu đối với từng loại ngành nghề cụ thể, doanh nghiệp phải đảm bảo đáp ứng cũng như làm hồ sơ yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt cấp giấy phép hoạt động. Thông thường, giấy phép kinh doanh sẽ được xem xét cấp sau giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là gì?
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được định nghĩa cụ thể tại khoản 15 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 là: “văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp.”. Nội dung chính của giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bao gồm:
- Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp;
- Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
- Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; đối với thành viên hợp danh của công ty hợp danh; đối với chủ doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân. Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;
- Vốn điều lệ đối với công ty, vốn đầu tư đối với doanh nghiệp tư nhân.
Điều kiện cấp của từng loại giấy chứng nhận.
Dù là giấy phép thành lập doanh nghiệp hay giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bạn đều phải thực hiện các thủ tục pháp lý tương ứng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được xét duyệt và cấp giấy theo đúng trình tự pháp luật.
Điều kiện cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp
Tùy thuộc vào loại ngành nghề kinh doanh của bạn yêu cầu những điều kiện gì, bạn cần thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép tại cơ quan nhà nước quản lý về vấn đề đó. Điều kiện kinh doanh là yêu cầu mà doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành, nghề cụ thể, được thể hiện bằng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác.
Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi đáp ứng đủ điều kiện tại khoản 1 Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2020 bao gồm:
“a) Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
b) Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các điều 37, 38, 39 và 41 của Luật này;
c) Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;
d) Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.”