Hồ sơ và trình tự đăng ký kinh doanh hợp tác xã
Mục lục
Hợp tác xã là một tổ chức kinh tế tập thể, được thành lập bởi ít nhất 5 thành viên, hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tương trợ lẫn nhau để đạt được mục tiêu chung về kinh tế và xã hội. Đây là một mô hình kinh tế phù hợp với nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp đến dịch vụ. Vậy hồ sơ và trình tự đăng ký kinh doanh hợp tác xã như thế nào?
1. Điều kiện khi đăng ký kinh doanh hợp tác xã
Hợp tác xã là tổ chức có tư cách pháp nhân, hoạt động theo nội dung trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hợp tác xã. Theo quy định của Pháp luật thì việc đăng ký kinh doanh hợp tác xã cần đảm bảo những điều kiện sau:
1.1. Điều kiện về thành viên
Theo quy định tại Khoản 1 – Điều 30 – Luật Hợp tác xã 2023 thì thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn của hợp tác xã bao gồm:
1. Cá nhân là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
2. Cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
3. Hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân thành lập, hoạt động tại Việt Nam (Phải cử người đại diện);
4. Là pháp nhân Việt Nam.
Như vậy, Theo Luật Hợp tác xã 2023, thành viên của hợp tác xã rất đa dạng. Ngoài cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, còn có thể là nhà đầu tư nước ngoài, hộ gia đình, tổ hợp tác và cả các pháp nhân Việt Nam. Điều này cho thấy hợp tác xã mở rộng cửa đón nhiều đối tượng tham gia, góp phần tăng cường sự đa dạng và phát triển của tổ chức.
1.2. Điều kiện về tên hợp tác xã
Quá trình đăng ký kinh doanh hợp tác xã cần tuân theo điều kiện sau:
- Tên của hợp tác xã được bắt đầu bằng cụm từ “Hợp tác xã”. Đối với Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã thì tên bắt đầu bằng cụm từ “Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã”.
- Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
- Tên bằng tiếng nước ngoài của hợp tác xã là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của hợp tác xã có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
- Tên viết tắt của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.
1.3. Điều kiện về trụ sở Hợp tác xã
Trụ sở chính của hợp tác xã chính là bộ mặt đại diện cho toàn bộ hoạt động kinh doanh của tổ chức. Đây là địa chỉ liên hệ chính thức, nơi các thành viên, đối tác và khách hàng có thể tìm đến để giao dịch, trao đổi thông tin. Trụ sở được xác định rõ ràng với đầy đủ thông tin như số nhà, tên đường, phường/xã, quận/huyện và các thông tin liên lạc khác, đảm bảo việc tìm kiếm và liên hệ trở nên thuận tiện.
Xem thêm: Tư vấn phá sản doanh nghiệp hợp tác xã
2. Hồ sơ và trình tự đăng ký kinh doanh hợp tác xã
Để quá trình đăng ký kinh doanh hợp tác xã diễn ra thuận lợi, đúng quy định pháp luật thì bạn hãy tham khảo trình tự sau:
2.1. Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký kinh doanh hợp tác xã
Tại Điều 7 Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT và Khoản 2 Điều 2 Thông tư 07/2019/TT-BKHĐT quy định về việc đăng ký thành lập hợp tác xã như sau:
– Giấy đề nghị đăng ký thành lập hợp tác xã;
– Điều lệ của hợp tác xã;
– Phương án sản xuất kinh doanh;
– Danh sách thành viên;
– Nghị quyết của hội nghị thành lập về những nội dung như:
- Phương án sản xuất, kinh doanh;
- Bầu hội đồng quản trị và chủ tịch hội đồng quản trị; quyết định việc lựa chọn giám đốc (tổng giám đốc) trong số thành viên, đại diện hợp pháp của hợp tác xã thành viên hoặc thuê giám đốc (tổng giám đốc);
- Bầu ban kiểm soát, trưởng ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên;
- Các nội dung khác có liên quan đến việc thành lập và tổ chức, hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
– Bản sao hợp lệ giấy tờ chứng thực cá nhân của người có thẩm quyền đăng ký.
2.2. Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký
Sau khi hồ sơ đăng ký kinh doanh hợp tác xã đã hoàn thiện thì cần nộp tại cơ quan đăng ký hợp tác xã nơi đặt trụ sở chính, cụ thể tại Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Hình thức nộp:
- Trực tiếp;
- Qua mạng điện tử;
- Đường bưu điện.
2.3. Thời gian xử lý hồ sơ
Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký. Nếu hồ sơ không đạt yêu cầu, cơ quan sẽ thông báo bằng văn bản và giải thích cụ thể lý do. Nếu hồ sơ hợp lệ, hợp tác xã cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định và mang theo bản gốc hồ sơ để đối chiếu khi nhận giấy chứng nhận.