Đăng ký hộ kinh doanh cá thể ở đâu?
Mục lục
Hộ kinh doanh cá thể là một loại hình kinh tế được ưa chuộng đối với những cá nhân kinh doanh nhỏ, lẻ. Tuy nhiên, nhiều người tự làm thủ tục này không biết đăng ký ở đâu và hình thức nộp như thế nào? Bài viết hôm nay chúng tôi sẽ cập nhật đến các bạn những vấn đề pháp lý xung quanh việc đăng ký hộ kinh doanh cá thể ở đâu.
1. Đăng ký hộ kinh doanh cá thể ở đâu?
Theo khoản 1 Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.
Cơ quan đăng ký kinh doanh được pháp luật quy định như sau:
“1. Cơ quan đăng ký kinh doanh được tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), bao gồm:
a) Ở cấp tỉnh: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (sau đây gọi chung là Phòng Đăng ký kinh doanh).
Phòng Đăng ký kinh doanh có thể tổ chức các điểm để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc Phòng Đăng ký kinh doanh tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn cấp tỉnh;
b) Ở cấp huyện: Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (sau đây gọi chung là Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện)”
Cụ thể khi muốn đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể bạn nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa, bộ phận tiếp nhận hồ sơ – thủ tục hành chính trong Ủy ban nhân dân quận/huyện nơi hộ kinh doanh đặt địa chỉ kinh doanh. Sau khi tiếp nhận hồ sơ thì hồ sơ sẽ được chuyển cho Phòng Tài chính – Kế hoạch để thẩm duyệt hồ sơ.
2. Quy trình thành lập hộ kinh doanh cá thể
2.1. Chuẩn bị hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể
Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể bao gồm các giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;
- Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/hộ chiếu của chủ hộ kinh doanh;
- Bản sao hợp đồng thuê nhà, hợp đồng mượn nhà hoặc sổ đỏ đối với trường hợp chủ hộ đứng tên địa chỉ hộ kinh doanh (không cần công chứng).
Trường hợp các thành viên hộ gia đình cùng góp vốn đăng ký hộ kinh doanh thì cần thêm các giấy tờ sau:
- Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/hộ chiếu của thành viên hộ gia đình;
- Bản sao hợp lệ biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh;
- Bản sao hợp lệ văn bản ủy quyền của các thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh;
- Văn bản ủy quyền cho người nộp hồ sơ (nếu có);
- Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề (nếu có).
Số lượng hồ sơ: 1 bộ.
2.2. Nộp hồ sơ
Người thực hiện đăng ký thành lập hộ kinh doanh nộp hồ sơ tại phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở.
Ngoài hình thức nộp hồ sơ trực tiếp, công dân có thể thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cá thể online tại trang dịch vụ công của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố.
Trường hợp ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kèm theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân được ủy quyền.
Trường hợp ủy quyền cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kèm theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân người được giới thiệu.
2.3. Nhận kết quả
Khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
– Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ hoặc người thành lập hộ kinh doanh biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).
Người thực hiện đăng ký hộ kinh doanh phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật để nhận giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.