Doanh nghiệp tư nhân có con dấu không?
Mục lục
Doanh nghiệp tư nhân có con dấu không vẫn đang là thắc mắc của rất nhiều người khi chưa nắm rõ các quy định của pháp luật hiện hành. Với một doanh nghiệp bất kỳ thì con dấu như một sự đại diện cho chính doanh nghiệp đó. Thông thường những hoạt động của doanh nghiệp khi thực hiện thì bên cạnh chữ ký của người đại diện sẽ còn có thêm yếu tố này. Do vậy mà việc hình thành nên con dấu cho doanh nghiệp tư nhân là điều đáng được quan tâm.
Pháp luật cho phép doanh nghiệp tư nhân có con dấu không?
Nếu như trước đây con dấu chịu sự quản lý khắt khe thì hiện tại pháp luật đã đơn giản hoá hơn cho loại công cụ này. Theo quy định tại Điều 44 Luật doanh nghiệp 2014 thì doanh nghiệp nói chung có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Nội dung này còn được hướng dẫn tại Điều 12, 13 Nghị định 96/2015/NĐ-CP.
Trong quy định này có thể hiện rõ là chủ doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp tư nhân có quyền quyết định số lượng, hình thức, nội dung và mẫu con dấu, việc quản lý và sử dụng con dấu, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác. Nhưng phải lưu ý rằng nội dung Điều lệ hoặc Quyết định về con dấu của doanh nghiệp phải bao gồm:
– Mẫu con dấu, gồm: Hình thức, kích cỡ, nội dung, mầu mực dấu.
– Số lượng con dấu.
– Quy định về quản lý và sử dụng con dấu.
Mẫu con dấu doanh nghiệp được thể hiện dưới một hình thức cụ thể (hình tròn, hình đa giác hoặc hình dạng khác). Chỉ cần đảm bảo rằng mỗi doanh nghiệp có một mẫu con dấu thống nhất về nội dung, hình thức và kích thước.
Thông tin về mã số doanh nghiệp và tên doanh nghiệp trong nội dung mẫu con dấu thực hiện theo quy định tại Điều 30 và Khoản 1 Điều 38 Luật Doanh nghiệp. Ngoài thông tin nêu trên, doanh nghiệp có thể bổ sung thêm ngôn ngữ, hình ảnh khác vào nội dung mẫu con dấu của doanh nghiệp, trừ các trường hợp quy định tại Điều 14 Nghị định này.
Chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp tư nhân có con dấu không?
Sau quá trình hoạt động ổn định, các doanh nghiệp có thể mở rộng và thành lập các đơn vị phụ thuộc như chi nhánh hoặc văn phòng đại diện. Pháp luật cũng cho phép những đơn vị này của doanh nghiệp tư nhân được quyền có con dấu riêng. Chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ có quyền quyết định trong vấn đề này trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
Riêng về nội dung thì mẫu con dấu của chi nhánh, văn phòng đại diện phải có tên chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định tại các Khoản 1 và 2 Điều 41 Luật Doanh nghiệp. Ngoài thông tin nêu trên, doanh nghiệp có thể bổ sung thêm ngôn ngữ, hình ảnh khác vào nội dung mẫu con dấu của chi nhánh, văn phòng đại diện, trừ các trường hợp quy định tại Điều 14 Nghị định này.
Thông báo về mẫu con dấu
Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý mà pháp luật quy định trước khi sử dụng con dấu doanh nghiệp có trách nhiệm phải thông báo. Doanh nghiệp tư nhân thực hiện gửi thông báo về mẫu con dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đến Phòng Đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Sau khi nhận thông báo về mẫu con dấu, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận cho doanh nghiệp, thực hiện đăng tải thông báo của doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cấp Thông báo về việc đăng tải thông tin về mẫu con dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện cho doanh nghiệp.