Thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh theo luật doanh nghiệp
Mục lục
Thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh khi nào cần thiết? Các bước của thủ tục này như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. Khi nào phải thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh?
Trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có khá nhiều nội dung, do đó, doanh nghiệp cần xác định rõ nội dung sẽ thay đổi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn quyết định đến thủ tục, lệ phí mà công ty có nghĩa vụ thực hiện.
Thông thường các doanh nghiệp sẽ lựa chọn những nội dung thay đổi cơ bản như sau:
- Thay đổi tên công ty bao gồm: tên tiếng Việt, tên tiếng nước ngoài, tên viết tắt của doanh nghiệp.
- Thay đổi địa chỉ trụ sở chính: chuyển trụ sở chính về địa chỉ khác.
- Thay đổi ngành nghề kinh doanh bao gồm: rút ngành nghề, bổ sung ngành nghề kinh doanh.
- Thay đổi vốn điều lệ bao gồm: tăng vốn điều lệ, giảm vốn điều lệ, cơ cấu lại vốn góp/cổ phần giữa các thành viên/cổ đông.
- Thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
- Thay đổi thành viên/cổ đông của công ty.
- Thay đổi con dấu Công ty.
2. Thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh theo luật doanh nghiệp
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp thì trình tự thủ tục thay đổi thông tin đăng ký kinh doanh như sau:
2.1 Bước 1: Chuẩn bị các thông tin cần thiết
Vì vậy, trước khi thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp cần xác định rõ các nội dung cần thay đổi. Có thể thực hiện thay đổi một hoặc nhiều nội dung đăng ký kinh doanh cùng một lúc.
2.2 Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ cần thiết
Thành phần hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh được quy định theo Luật doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Đối với mỗi nội dung thay đổi đăng ký kinh doanh khác nhau sẽ yêu cầu những thành phần hồ sơ khác nhau.
2.3 Bước 3: Nộp hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền
Doanh nghiệp nộp hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh lên Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Cơ quan này sẽ tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ hồ sơ và hướng dẫn bổ sung, chỉnh sửa (nếu có).
2.4 Bước 4: Nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới
Trong thời hạn từ 3 đến 5 ngày làm việc, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp. Nếu hồ sơ hợp lệ thì doanh nghiệp nộp bổ sung một bộ hồ sơ bản cứng (nếu trước đó nộp online) và nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Ngược lại, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo hướng dẫn điều chỉnh hoặc sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp bổ sung thông tin và nộp lại từ đầu.
3. Các câu hỏi phổ biến khi thay đổi đăng ký kinh doanh
Một số câu hỏi phổ biến đối với thủ tục thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp bao gồm:
3.1 Khi thay đổi có phải quyết toán thuế và đặt in hóa đơn lại hay không?
Nếu doanh nghiệp thay đổi trụ sở khác quận, khác tỉnh thì cần thực hiện thủ tục chốt thuế chuyển quận.
Khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp mà bên tiếp nhận kế thừa toàn bộ nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp trước chuyển đổi thì không phải thực hiện thủ tục quyết toán thuế trước khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
Khi doanh nghiệp thay đổi tên công ty, thay đổi địa chỉ trụ sở cần liên hệ với cơ quan thuế để thay đổi thông tin của công ty trên hóa đơn đã phát hành.
3.2 Khi nào phải khắc lại con dấu công ty?
Doanh nghiệp cần khắc lại con dấu khi thay đổi các nội dung sau:
- Thay đổi tên công ty;
- Thay đổi loại hình doanh nghiệp của công ty;
- Trường hợp thay đổi trụ sở khác quận, tỉnh của công ty: tuy không thuộc trường hợp bắt buộc đổi dấu nhưng để thống nhất với quận/tỉnh mới doanh nghiệp nên cấp đổi con dấu nếu con dấu cũ có thể hiện quận/ tỉnh cũ.
Khi doanh nghiệp có nhu cầu khắc dấu pháp nhân mới với tên công ty mới thì doanh nghiệp có quyền lựa chọn số lượng, hình thức con dấu thống nhất, nội dung con dấu (chỉ bắt buộc có thông tin tên công ty và mã số doanh nghiệp) và thậm chí được quyền giữ lại con dấu cũ với tên công ty cũ.
Từ ngày 01/01/2021, doanh nghiệp thực hiện khắc dấu và sử dụng con dấu mà không phải thực hiện Thông báo sử dụng mẫu dấu của doanh nghiệp tới Sở Kế hoạch và Đầu tư để Sở Kế hoạch như trước đây.
3.3 Có thể tra cứu thông tin thay đổi đăng ký kinh doanh tại đâu?
Thông tin thay đổi sẽ được tra cứu tại cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia về doanh nghiệp.
3.4 Có thể nộp hồ sơ thay đổi qua mạng không?
Hồ sơ thay đổi sẽ được nộp qua mạng bởi 2 bước như sau:
- Nộp hồ sơ trực tuyến qua cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp.
- Nộp hồ sơ trực tiếp (hồ sơ giấy) tới cơ quan đăng ký sau khi được chấp thuận hồ sơ trực tuyến.
- Do đó, công ty có thể nộp hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh qua mạng được, hiện tại nhiều tỉnh thành việc nộp hồ sơ thay đổi qua mạng là thủ tục bắt buộc và không còn nhận hồ sơ trực tiếp, trong đó Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là điển hình.
3.5 Lệ phí thay đổi đăng ký kinh doanh công ty như thế nào?
Hiện nay doanh nghiệp được miễn phí khi thay đổi thông tin đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần nộp chi phí công bố thông tin thay đổi trên cổng thông tin quốc gia: 100.000 VND.
Trên đây là các thông tin cơ bản liên quan đến thủ tục đăng đổi đăng ký kinh doanh. Nếu bạn muốn tư vấn thêm về các thủ tục pháp lý trong doanh nghiệp, hãy liên hệ Phan Law Vietnam để được kết nối với luật sư.