Thủ tục thành lập doanh nghiệp mới cần lưu ý những gì?
Mục lục
Để có thể thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp mới ở bất kỳ loại hình doanh nghiệp, lĩnh vực kinh doanh nào bạn cũng cần phải tìm hiểu chi tiết và đảm bảo thực hiện chính xác trình tự mà pháp luật đã quy định. Việc tiến hành đăng ký doanh nghiệp mới nên được thực hiện tuần tự theo từng bước để có thể đạt hiệu quả tối ưu nhất, đồng thời tiết kiệm thời gian, công sức của người thực hiện.
Chuẩn bị gì trước khi thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp mới?
Trước khi quyết định tiến hành thủ tục thành lập doanh nghiệp mới, bạn cần thực hiện một số các hoạt động chuẩn bị dưới đây để đảm bảo quá trình đăng ký kinh doanh của mình diễn ra hiệu quả, nhanh chóng, tiết kiệm tối đa thời gian, công sức.
Thứ nhất, xác định điều kiện kinh doanh
Bạn cần phải kiểm tra trước xem liệu mình có thuộc nhóm đối tượng không được phép, hoặc hạn chế đầu tư, kinh doanh, mở doanh nghiệp hay không. Những chủ thể không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam được liệt kê rõ tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020.
Thứ hai, lựa chọn loại hình doanh nghiệp
Pháp luật doanh nghiệp hiện hành đang quy định về 05 loại doanh nghiệp phổ biến trên thị trường Việt Nam bao gồm:
- Doanh nghiệp tư nhân
- Công ty hợp danh
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
- Công ty cổ phần
Mỗi loại hình doanh nghiệp đều có các ưu điểm, nhược điểm riêng. Kèm với đó là các quy định pháp lý điều chỉnh phù hợp cho hoạt động kinh doanh. Bạn cần lựa chọn loại hình doanh nghiệp dựa trên các nền tảng sẵn có cũng như với mục tiêu hoạt động kinh doanh lâu dài của mình.
Thứ ba, xác định ngành nghề kinh doanh
Pháp luật cho phép doanh nghiệp hoạt động ở bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào pháp luật không cấm, tuy nhiên phải đăng ký kinh doanh trước khi hoạt động. Trước khi thành lập, cần lưu ý xem ngành nghề mình dự định kinh doanh có thuộc danh sách ngành bị cấm hay kinh doanh có điều kiện hay không để thực hiện quá trình kinh doanh đúng quy định của pháp luật.
Tiến hành đăng ký doanh nghiệp mới
Thủ tục thành lập doanh nghiệp mới thực tế không quá phức tạp, bạn chỉ cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phù hợp với loại hình doanh nghiệp mà mình đã lựa chọn. Sau đó nộp hồ sơ đến phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Thành phần hồ sơ về cơ bản sẽ bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh do đại diện pháp luật công ty ký
- Điều lệ công ty
- Danh sách thành viên, cổ đông (nếu có)
- Chứng từ chứng minh nhân thân của chủ sở hữu doanh nghiệp, thành viên, cổ đông là cá nhân
- Chứng từ chứng minh tổ chức là chủ sở hữu doanh nghiệp, thành viên, cổ đông là tổ chức
- Các tài liệu liên quan khác
Thời gian xử lý hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020:
“5. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.”