Cách thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân
Mục lục
Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân là thủ tục pháp lý được pháp luật quy định và hướng dẫn cụ thể tại Luật Doanh nghiệp 2020. Doanh nghiệp tư nhân vẫn là một trong các loại hình doanh nghiệp phổ biến tại thị trường Việt Nam. Để có thể thành lập và hoạt động bền vững với loại hình này, bạn cần nắm được trình tự thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp hợp pháp, đồng thời thực hiện thêm những thủ tục liên quan khác nhằm đưa doanh nghiệp đi vào hoạt động.
Một số đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân
Trước khi bắt tay vào thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân, Phan Law Vietnam xin chia sẻ một số đặc điểm nổi bật của loại hình doanh nghiệp này. Doanh nghiệp tư nhân mang bốn đặc điểm chính được quy định tại Điều 188 Luật doanh nghiệp 2020:
“1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.”
Với các đặc điểm trên, cần xác định doanh nghiệp tư nhân không đủ điều kiện để được xem là một pháp nhân, vì chưa tách bạch được tài sản doanh nghiệp với tài sản của chủ sở hữu. Như vậy, doanh nghiệp tư nhân là loại tài sản riêng thuộc toàn quyền sở hữu của cá nhân là chủ doanh nghiệp.
Hướng dẫn thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân
Bạn cần tiến hành thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân theo trình tự pháp luật quy định theo các bước:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp
Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân cần đảm bảo được các tài liệu pháp lý bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân (căn cước công dân, chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu…)
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp
Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân cần được thực hiện tại Sở Kế hoạch – Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Bạn có thể nộp hồ sơ của mình bằng nhiều cách như:
- Nộp hồ sơ trực tiếp đến bộ phận một cửa – Phòng đăng ký kinh doanh
- Nộp hồ sơ thông qua đường bưu điện
- Nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh trực tuyến thông qua hệ thống đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử
- Nộp hồ sơ thông qua ủy quyền đại diện pháp luật
Bước 3: Theo dõi hồ sơ, nhận giấy chứng nhận, công bố thông tin doanh nghiệp
Theo quy định tại khoản 5 Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020: “Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.”
Sau khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong vòng 30 ngày, bạn phải thực hiện công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên cổng thông tin đăng ký quốc gia.
Một số thủ tục cần thực hiện sau khi thành lập doanh nghiệp tư nhân
Để xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc cho doanh nghiệp tư nhân của mình hoạt động, bạn không chỉ dừng lại ở thủ tục thành lập doanh nghiệp. Các thủ tục cần được lưu ý hoàn thành sau khi nhận giấy chứng đăng ký doanh nghiệp bao gồm:
Thứ nhất, tạo mẫu dấu, đăng ký công bố mẫu dấu doanh nghiệp. Treo bảng tên doanh nghiệp tại trụ sở chính.
Thứ hai, đăng ký tài khoản doanh nghiệp
Thứ ba, nộp lệ phí môn bài, đăng ký hồ sơ thuế ban đầu
Thứ tư, đăng ký sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng