Thủ tục thành lập công ty, doanh nghiệp được quy định mới nhất 2024
Mục lục
Thành lập công ty là cả một chặng đường dài, không giống như các thủ tục hành chính đơn thuần mà là cả một quá trình. Do đó, nếu chủ doanh nghiệp chưa trang bị cho mình những kiến thức cần thiết thì sẽ gặp nhiều khó khăn trên con đường khởi nghiệp. Vậy thủ tục thành lập công ty, doanh nghiệp gồm những gì?
1. Điều kiện cần thiết để thành lập công ty?
Thành lập công ty/ doanh nghiệp là một thủ tục hành chính do các thành viên sáng lập ra công ty tiến hành thực hiện đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Thủ tục này nhằm “khai sinh” hợp pháp ra công ty/ doanh nghiệp. Để thành lập công ty bạn cần đảm bảo những điều kiện sau:
- Người đại diện và chủ sở hữu theo pháp luật: Bắt buộc phải từ 18 tuổi trở lên, có CMND hoặc CCCD, hộ chiếu hợp lệ và không thuộc vào nhóm đối tượng bị cấm thành lập công ty.
- Địa chỉ công ty: Có địa chỉ xác định và không nằm trong khu chung cư để ở.
- Tên công ty: Tên công ty không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của các công ty đã thành lập trước đó (áp dụng trên toàn quốc).
- Vốn điều lệ: Xác định vốn điều lệ để đăng ký kinh doanh. Vốn điều lệ là số vốn góp hoặc cam kết góp toàn bộ của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông trong một thời hạn nhất định (không quá 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) và được ghi trên Điều lệ Công ty.
- Xác định ngành nghề kinh doanh: Ngành nghề kinh doanh cần thuộc nhóm được pháp luật cho phép và phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về ngành nghề đó (nếu có).
- Xác định loại hình công ty: Chủ doanh nghiệp cần cân nhắc lựa chọn loại hình tổ chức phù hợp dựa trên các tiêu chí về nghĩa vụ thuế, trách nhiệm pháp lý, khả năng chuyển nhượng, bổ sung, thay thế và các quy định khác. Mô hình kinh doanh đáp ứng được hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
2. Thủ tục thành lập công ty, doanh nghiệp được quy định mới nhất 2024
2.1. Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ thành lập công ty
Chủ doanh nghiệp cần chuẩn bị những giấy tờ, tài liệu như sau để thành lập công ty:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu quy định trong Thông tư 01/2022/TT-BKHĐT.
- Dự thảo điều lệ công ty đối với từng loại hình công ty khác nhau.
- Văn bản ủy quyền cho người nộp hồ sơ trong trường hợp không phải người đại diện pháp luật công ty nộp.
- Danh sách thành viên (Công ty TNHH 2 thành viên trở lên) hoặc Danh sách cổ đông sáng lập (Công ty cổ phần).
- Bản sao Giấy chứng thực cá nhân như CMND, CCCD, Hộ chiếu của chủ sở hữu và của các thành viên tham gia góp vốn, các cổ đông. Giấy tờ khác tùy theo quy định về hình thức và điều kiện theo ngành nghề mà quý khách hàng chọn lựa.
Xem thêm: [Bật mí] Kinh nghiệm thành lập công ty xuất nhập khẩu mới nhất
2.2. Bước 2: Nộp hồ sơ lên cơ quan đăng ký kinh doanh
Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ thành lập công ty, bạn cần nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi đã đặt trụ sở chính. Trong thời gian 3 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ cơ quan sẽ báo cho bạn. Còn không hợp lệ sẽ thông báo để bạn sửa lại.
2.3. Bước 3: Nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Sau khi hồ sơ thành lập doanh nghiệp hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ gửi email thông báo chấp thuận và mời chủ doanh nghiệp lên phòng đăng ký kinh doanh để nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2.4. Bước 4: Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, việc tiếp theo là phải công khai trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Nội dung công bố bao gồm Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các thông tin sau:
- Ngành, nghề kinh doanh;
- Danh sách cổ đông sáng lập; Danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần (nếu có).
Thời hạn công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp là 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2.5. Bước 5: Khắc con dấu công ty và mua chữ ký số (token)
Theo Luật doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp tự khắc con dấu, đồng thời chịu trách nhiệm về việc sử dụng con dấu pháp nhân và không cần đăng bố cáo về mẫu dấu như trước đây. Sau đó, để tiến hành nộp thuế và lập báo cáo tài chính thì doanh nghiệp cần phải tiến hành mua chữ ký điện tử.
2.6. Đăng ký tài khoản ngân hàng
Doanh nghiệp cần liên hệ với một ngân hàng nào đó để mở tài khoản cho doanh nghiệp. Cầm theo con dấu và CMND giám đốc trong trường hợp ủy quyền. Việc mở tài khoản ngân hàng không cần thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan thuế.