Thủ tục giải thể doanh nghiệp năm 2020
Mục lục
Thủ tục giải thể doanh nghiệp là thủ tục nhằm chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp theo ý chí của chính doanh nghiệp hoặc do quyết định từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Cần lưu ý thủ tục giải thể khác với thủ tục phá sản của doanh nghiệp. Trong nội dung bài viết này, Phan Law Vietnam sẽ cung cấp cho bạn đọc một số thông tin pháp lý xoay quanh vấn đề giải thể công ty, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành.
Khi nào thực hiện thủ tục giải thể?
Việc giải thể chỉ được áp dụng cho các trường hợp và điều kiện được quy định cụ thể tại Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2014 như sau:
“1. Doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau đây:
a) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
b) Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
c) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.”
Hồ sơ giải thể doanh nghiệp cần những gì?
Khi tiến hành thủ tục giải thể, cần chuẩn bị đầy đủ và chi tiết các giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 2014 Luật Doanh nghiệp 2014 bao gồm:
- Thông báo về giải thể công ty, doanh nghiệp
- Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp; danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, người lao động sau khi quyết định giải thể của doanh nghiệp (nếu có)
- Con dấu và giấy chứng nhận mẫu dấu (nếu có)
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Người đứng đầu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ giải thể. Trường hợp hồ sơ giải thể không chính xác, giả mạo, những người này phải liên đới chịu trách nhiệm: thanh toán số nợ chưa thanh toán, số thuế chưa nộp và quyền lợi của người lao động chưa được giải quyết và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về những hệ quả phát sinh trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày nộp hồ sơ giải thể đến Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Doanh nghiệp không được làm gì sau khi giải thể?
Theo quy định tại Điều 205 Luật Doanh nghiệp 2014, các hoạt động bị cấm kể từ khi có quyết định giải thể bao gồm:
- Cất giấu, tẩu tán tài sản
- Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ
- Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp
- Ký kết hợp đồng mới trừ trường hợp để thực hiện giải thể
- Cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản
- Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực
- Huy động vốn dưới mọi hình thức.
Trường hợp doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp thực hiện các hoạt động trên sau khi nhận được quyết định giải thể, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm mà sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật hiện hành.