Theo quy định Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là gì?
Mục lục
Để sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được đưa ra thị trường một cách hợp pháp, các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Xét về bản chất, đây là loại giấy tờ quan trọng, đóng vai trò tiền đề để doanh nghiệp thực hiện các công việc tiếp theo của mình. Vậy giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là gì? Đặc điểm và nội dung của loại giấy tờ này sẽ như thế nào?
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là gì? Đặc điểm và nội dung loại giấy tờ này?
Như đã giới thiệu, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đóng vai trò rất quan trọng cho doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận và phát triển ngành, nghề của mình trên thị trường. Vậy loại giấy tờ này được hiểu như thế nào và đặc điểm cũng như nội dung sẽ thể hiện ra sao?
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được hiểu là gì?
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hay còn gọi là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã được pháp luật giải thích cụ thể về khái niệm của loại văn bản này. Theo đó, tại khoản 15 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp.”
Đặc điểm của Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Từ khái niệm trên, có thể xác định đặc điểm Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dựa trên các khía cạnh sau:
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thể hiện được sự công nhận của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc thành lập doanh nghiệp hợp pháp.
- Đây là sự ghi nhận năng lực pháp lý cho một doanh nghiệp. Do vậy, nếu không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp đó sẽ không được tồn tại trên cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp. Đồng thời, việc tiến hành các hoạt động kinh doanh sẽ bị coi là bất hợp pháp.
- Cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chính là nghĩa vụ của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo hộ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp.
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chính là loại giấy tờ pháp lý đầu tiền và cần thiết của mỗi doanh nghiệp.
Nội dung của Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Căn cứ theo Điều 28 Luật Doanh nghiệp 2020, nội dung của Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ là:
“Điều 28. Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp;
2. Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
3. Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; đối với thành viên hợp danh của công ty hợp danh; đối với chủ doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân. Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;
4. Vốn điều lệ đối với công ty, vốn đầu tư đối với doanh nghiệp tư nhân.”
Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục này phải đáp ứng được các điều kiện được quy định tại Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2020. Cụ thể như sau:
- Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề bị cấm.
- Tên của doanh nghiệp được đặt đúng theo quy định tại các Điều 37, 38, 39, 41 của Luật Doanh nghiệp 2020.
- Có hồ sơ đăng ký kinh doanh hợp lệ. Hồ sơ hợp lệ là hồ sơ có đầy đủ giấy tờ theo quy định của Luật này và nội dung các giấy tờ đó được kê khai đầy đủ theo quy định của pháp luật căn cứ theo khoản 20 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Doanh nghiệp không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có bị phạt không?
Theo Điều 7 Luật Thương mại 2005, thương nhân phải có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật. Nếu không đăng ký kinh doanh sẽ dẫn đến việc không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Từ đó, tất yếu hệ quả xảy ra là doanh nghiệp đó phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 4 Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ – CP, phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với các hành vi sau:
- Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký.
- Tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng kinh doanh, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh.
- Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.
Như vậy, đối với trường hợp hoạt động kinh doanh dưới mọi hình thức nhưng không thực hiện việc đăng ký dẫn đến không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ bị phạt trong khoảng số tiền nêu trên. Đồng thời, doanh nghiệp đó sẽ bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả căn cứ theo điểm c khoản 5 của Điều luật này.