Thành lập công ty tài chính
Mục lục
Công ty tài chính là loại hình công ty đóng vài trò quan trọng trong nền kinh tế. Loại hình công ty này cùng với ngân hàng chi phối dòng tiền trong nền kinh tế thông qua các hoạt động như cho vay, đầu tư, các dịch vụ tiền tệ khác. Chính vì tầm quan trọng của nó mà việc thành lập công ty tài chính chịu nhiều sự ràng buộc của pháp luật. Cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. Công ty tài chính
Theo Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi bổ sung năm 2017 thì:
Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định, trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác.
Công ty tài chính được biết là tổ chức phi ngân hàng, huy động vốn cho vay, đầu tư cung ứng dịch vụ tư vấn về tài chính; tiền tệ. Được thực hiện dịch vụ thanh toán nhưng không được nhận tiền gửi dưới 1 năm.
Hiện nay Công ty tài chính chỉ được tổ chức dưới hai loại hình doanh nghiệp là công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn.
Điều kiện thành lập công ty tài chính:
– Điều kiện về chủ sở hữu:
- Trường hợp cổ đông là cá nhân thì cá nhân phải có quốc tịch Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không thuộc các đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
- Trường hợp cổ đông là tổ chức thì phải được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; Kinh doanh trong ba năm liên tục trước khi thành lập phải có lãi; Không nợ thuế, chậm nộp thuế hoặc Bảo hiểm xã hội cho đến ngày nộp hồ sơ;
- Không thuộc những trường hợp bị cấm thành lập doanh nghiệp tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
“2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;
g) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.”
– Điều kiện về vốn: Công ty tài chính phải đáp ứng điều kiện về số vốn pháp định tối thiểu theo quy định của pháp luật.
- Doanh nghiệp phải có vốn pháp định tối thiểu là 500 tỷ, tập đoàn phải có vốn pháp định tối thiểu là 1000 tỷ và có cam kết hỗ trợ công ty tài chính;
- Vốn pháp định phải là số vốn đã trừ đi các khoản đầu tư và khoản nợ khác.
– Điều kiện về ngành nghề: Các hoạt động của công ty tài chính được quy định tại K1 Điều 108 Luật các tổ chức tín dụng.
1. Công ty tài chính được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng sau đây:
a) Nhận tiền gửi của tổ chức;
b) Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức;
c) Vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; vay Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
d) Cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng;
đ) Bảo lãnh ngân hàng;
e) Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng, các giấy tờ có giá khác;
g) Phát hành thẻ tín dụng, bao thanh toán, cho thuê tài chính và các hình thức cấp tín dụng khác sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
2. Thủ tục thành lập công ty tài chính
– Cần phải chuẩn bị hồ sơ.
Tùy vào loại hình công ty muốn đăng ký, người thành lập doanh nghiệp cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đăng ký thành lập công ty. Sau đây là các thông tin cần chuẩn bị của doanh nghiệp trong hồ sơ:
- Xác định loại hình doanh nghiệp trước khi thành lập doanh nghiệp (công ty cổ phần, công ty TNHH);
- Đặt tên doanh nghiệp, công ty và địa chỉ trụ sở giao dịch;
- Đăng ký vốn điều lệ, vốn pháp định.
- Quyết định người đại diện pháp luật công ty. Giám đốc hoặc tổng giám đốc, là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp mới nhất.
- Lựa chọn ngành nghề kinh doanh.
– Nộp hồ sơ đến Cơ quan đăng ký kinh doanh.
– Giải quyết hồ sơ:
Trong thời hạn 03 – 05 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp đăng ký doanh nghiệp. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo đến người thành lập doanh nghiệp những nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản. Trường hợp từ chối thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
Hồ sơ thành lập công ty tài chính:
- Đơn đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Dự thảo Điều lệ, phương án hoạt động: nêu rõ nội dung; phương thức hoạt động, địa bàn hoạt động; lợi ích đối với nền kinh tế; trong đó, xác định kế hoạch hoạt động cụ thể 3 năm đầu;
- Danh sách thành viên, lý lịch (theo mẫu) các văn bằng, chứng chỉ về chuyên môn của thành viên sáng lập, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát và Tổng giám đốc (Giám đốc) Công ty tài chính;
- Bản sao các giấy tờ tuỳ thân của cổ đông, người đại diện của các cổ đông là tổ chức;
- Phương án góp vốn điều lệ; danh sách và cam kết về mức góp vốn điều lệ của các bên góp vốn;
- Hồ sơ chứng minh điều kiện của người quản lý, giám đốc công ty;
- Tình hình tài chính và các thông tin có liên quan về các cổ đông lớn;
- Một số tài liệu khác.