Quy định mã ngành nghề đăng ký kinh doanh
Mục lục
Khi đăng ký kinh doanh ở bất kỳ lĩnh vực nào thì doanh nghiệp cũng phải quan tâm đến mã ngành nghề đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật. Vậy mã ngành nghề đăng ký kinh doanh được quy định như thế nào? Qua bài viết này, Đăng ký kinh doanh nhanh sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc trên.
1. Hệ thống mã ngành nghề đăng ký kinh doanh ở Việt Nam
Mã ngành nghề đăng ký kinh doanh là dãy ký tự đã được mã hoá theo bảng chữ cái hoặc theo số nhằm xác định ngành nghề kinh doanh của một doanh nghiệp. Do đó, khi đã đăng ký mã ngành kinh doanh thì doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động kinh doanh trong phạm vi lĩnh vực của ngành nghề đó theo quy định pháp luật
Theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, hệ thống mã ngành nghề kinh tế Việt Nam quy định danh mục gồm có 5 cấp:
- Ngành cấp 1: Mã hóa theo bảng chữ cái lần lượt từ A đến U, gồm có 21 ngành nghề.
- Ngành cấp 2: Mã hóa bằng 2 số theo mã ngành cấp 1 tương ứng, gồm có 88 ngành nghề.
- Ngành cấp 3: Mã hóa bằng 3 số theo mã ngành cấp 2 tương ứng, gồm có 242 ngành nghề.
- Ngành cấp 4: Mã hóa bằng 4 số theo mã ngành cấp 3 tương ứng, gồm có 486 ngành nghề.
- Ngành cấp 5: Mã hóa bằng 5 số theo mã ngành cấp 4 tương ứng, gồm có 734 ngành nghề.
2. Các quy định đối với mã ngành nghề đăng ký kinh doanh
Mã ngành nghề đăng ký kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp hoặc khi thay đổi bổ sung mã ngành nghề kinh doanh được quy định thành 4 trường hợp dưới đây:
2.1 Trường hợp với ngành nghề kinh doanh không có điều kiện
- Khi đăng ký bổ sung mã ngành nghề Cấp 5 thì doanh nghiệp phải đăng ký mã ngành nghề Cấp 4 trước theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp nếu muốn ghi chi tiết hơn mã ngành kinh doanh Cấp 4 thì sẽ chọn một ngành, nghề Cấp 4, sau đó ghi chi tiết bên dưới các ngành nghề kinh doanh phù hợp với mã ngành Cấp 4 đó.
Ví dụ: Doanh nghiệp đăng ký ngành nghề bán buôn vải:
+ Mã ngành nghề Cấp 4 là 4641: Bán buôn vải, hàng may mặc, giày dép
+ Chi tiết: Bán buôn vải.
2.2 Trường hợp với ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Ngành nghề kinh doanh có điều kiện là trường hợp được ghi theo mã ngành đăng ký kinh doanh trong văn bản pháp luật có quy định đối với ngành nghề đó.
Ví dụ: Doanh nghiệp đăng ký kinh doanh xuất khẩu gạo:
- Mã ngành nghề kinh doanh có điều kiện là 4631: Xuất khẩu gạo.
2.3 Trường hợp với ngành nghề kinh doanh không có trong hệ thống ngành kinh tế ở Việt Nam (được quy định ở văn bản pháp luật khác)
Với trường hợp này thì mã ngành nghề đăng ký kinh doanh cần phải viết chi tiết ngành, nghề theo quy định của văn bản pháp luật về ngành, nghề đó.
Ví dụ: Kinh doanh thiết bị, vật tư PCCC (ngành nghề này được quy định tại điều 41 Nghị định 136/2020/NĐ-CP):
+ Mã ngành nghề kinh doanh là 4669: Bán buôn chuyên doanh khác chưa được phân vào đâu.
+ Chi tiết: Buôn bán thiết bị, vật tư phòng cháy và chữa cháy.
2.4 Trường hợp với ngành nghề kinh doanh không có trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (chưa được quy định ở văn bản nào cả)
Trường hợp này doanh nghiệp vẫn được đăng ký kinh doanh các ngành nghề không nằm trong danh mục cấm kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét sau đó ghi nhận vào cơ sở dữ liệu quốc gia và gửi văn bản thông báo cho Tổng cục thống kê – Bộ KH&ĐT để bổ sung ngành nghề kinh doanh mới.
3. 7 ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh ở Việt Nam
Các ngành nghề mà pháp luật Việt Nam hiện đang cấm kinh doanh gồm:
- Kinh doanh các chất ma túy.
- Kinh doanh các loại khoáng vật, hóa chất.
- Kinh doanh mẫu vật của các loài thực vật quý hiếm, động vật hoang dã, thuỷ sản nguy cấp có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên.
- Kinh doanh hoạt động mại dâm.
- Các tổ chức hoạt động có liên quan đến con người: Mua, bán người, các bộ phận trên cơ thể người, bào thai người, hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính của con người.
- Kinh doanh pháo nổ và các chất nổ.
- Dịch vụ đòi nợ.