Phân biệt giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh
Mục lục
Việc nhầm lẫn giữa hai khái niệm Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy phép kinh doanh là vấn đề diễn ra tương đối phổ biến. Hầu hết những ai nếu không có kiến thức vững chắc về pháp luật đều cho rằng hai loại giấy này là một và sẽ được cấp khi thành lập một doanh nghiệp mới. Tuy nhiên thực tế không phải như vậy, việc không phân biệt được giấy chứng nhận và giấy phép kinh doanh có thể khiến những doanh nghiệp mới gặp nhiều khó khăn.
Khái niệm
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Giấy đăng ký kinh doanh có tên gọi chính xác là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014 thì là văn bản hoặc bản điện tử mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp ghi lại những thông tin về đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Giấy phép kinh doanh
Khác với giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh không có một quy định định nghĩa chi tiết. Thay vào đó là thông qua các quy định liên quan có thể hiểu đây là loại giấy tờ cấp cho phép các cá nhân, các tổ chức hoạt động kinh doanh khi đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký kinh doanh theo những quy định của pháp luật hiện hành.
Nội dung
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Nội dung hiển thị trên giấy chứng nhận kinh doanh bao gồm:
– Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp.
– Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp.
– Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn.
– Vốn điều lệ.
Giấy phép kinh doanh
Nội dung hiển thị trên giấy phép kinh doanh sẽ bao gồm:
– Tên, mã số doanh nghiệp
– Địa chỉ trụ sở chính
– Người đại diện theo pháp luật
– Chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông sáng lập;
– Hàng hóa phân phối;
– Các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa;
– Thời hạn kinh doanh
Điều kiện cấp phép
Tuỳ từng trường hợp mà doanh nghiệp mới chỉ cần giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp lại cần có thêm giấy phép kinh doanh. Để được cấp các loại giấy này thì thương nhân cần lưu ý phải đáp ứng được các điều kiện sau:
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Điều kiện để cấp của loại giấy đăng ký doanh nghiệp quy định tại điều 28 của Bộ Luật doanh nghiệp 2014:
– Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
– Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các Điều 38, 39, 40 và 42 của Luật này;
– Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;
– Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định pháp luật về phí và lệ phí.
Giấy phép kinh doanh
Vì đây là loại giấy phép cần cho các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do vậy mà doanh nghiệp chỉ được cấp khi đảm bảo đủ điều kiện về các ngành, nghề được quy định. Thông thường từng ngành nghề mà sẽ có điều kiện bắt buộc khác nhau. Nhưng phổ biến nhất là: vốn pháp định, năng lực chuyên môn, chứng chỉ hành nghề,…