Hồ sơ đăng ký kinh doanh homestay cần gì?
Mục lục
Homestay đang là một trào lưu startup được nhiều người lựa chọn. Với đặc điểm khai thác triệt để các nguồn tài nguyên sẵn có, homestay ngày càng là sự lựa chọn hàng đầu của khách du lịch. Cách để mở và kinh doanh homestay luôn là câu hỏi chung của rất nhiều nhà đầu tư hiện tại. Để hoạt động homestay cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký kinh doanh homestay như thế nào? Cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây để có thể tiến hành thủ tục đăng ký hoạt động kinh doanh homestay của mình.
Khởi nghiệp bằng kinh doanh homestay.
Mở Homestay nên chọn loại hình kinh doanh nào?
Homestay là dịch vụ du lịch cung cấp chỗ ở cho du khách tham quan. Đặc trưng của homestay chính là tận dụng những nguồn tài nguyên sẵn có từ nhà đầu tư: không gian, nhà, phòng ốc,… Từ đó tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư cũng như hạ giá thành cung cấp dịch vụ cho du khách.
Với đặc điểm như vậy, Phan Law Vietnam khuyên nhà đầu tư nên đăng ký kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh. Theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP:
“Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.”
Hình thức hộ kinh doanh đặc biệt phù hợp cho hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ. Kèm với đó là các ưu điểm như:
- Hồ sơ đăng ký kinh doanh homestay đơn giản, dễ thực hiện
- Quy mô gọn nhẹ, quản lý dễ dàng
- Không phải khai thuế hàng tháng
- Số lượng nhân viên không vượt quá 10 người
Những ưu điểm này cực kỳ phù hợp với các hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, các kế hoạch khởi nghiệp từ người mới thực hiện kinh doanh.
Khởi nghiệp bằng kinh doanh homestay
Chuẩn bị hồ sơ đăng ký kinh doanh homestay
Theo hướng dẫn tại Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bao gồm:
“Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:
a) Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);
b) Ngành, nghề kinh doanh;
c) Số vốn kinh doanh;
d) Số lao động;
đ) Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.
Kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.”
Các giấy phép khác mà hộ kinh doanh homestay cần có
Ngoài việc nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh homestay, bạn cần xin thêm một số giấy phép con để hoạt động. Cụ thể, đối với loại hình dịch vụ du lịch cư trú cần xin thêm các giấy phép như:
- Cam kết bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
- Làm công nhận xếp hạng với Sở Du lịch