Những vấn đề về đăng ký kinh doanh doanh nghiệp
Mục lục
Đăng ký kinh doanh tại Cơ quan có thẩm quyền chính là thủ tục bắt buộc trước khi doanh nghiệp muốn đưa các sản phẩm hoặc dịch vụ của mình ra thị trường một cách hợp pháp. Tuy nhiên, đây cũng là thủ tục tương đối phức tạp, kéo theo nhiều thứ phát sinh trong quá trình thực hiện. Do đó, để khắc phục điều này, bài viết sau đây chúng tôi sẽ bàn về những vấn đề trong đăng ký kinh doanh doanh nghiệp.
Tầm quan trọng của việc đăng ký kinh doanh
Như đã giới thiệu ở trên, đăng ký kinh doanh doanh nghiệp là một thủ tục phức tạp. Khác với một số thủ tục pháp lý thông thường khác, để đăng ký và đưa sản phẩm cũng như dịch vụ trong ngành, nghề của mình, doanh nghiệp phải trải qua rất nhiều bước quan trọng. Thậm chí, sẽ có rất nhiều thủ tục khác kéo theo phải thực hiện và hoàn tất như đăng ký mã số thuế, phát hành hóa đơn,…
Do đó, nếu không hiểu rõ những thông tin về đăng ký kinh doanh, có khả năng cao doanh nghiệp sẽ khó thực hiện được mục tiêu của mình. Đã có rất nhiều trường hợp trên thực tế, các cá nhân, tổ chức bị trả hồ sơ, yêu cầu sửa đổi bổ sung mà chính họ cũng không rõ nên xử lý thế nào. Vì vậy, việc có kiến thức pháp luật trong vấn đề đăng ký kinh doanh được coi là nền tảng để doanh nghiệp hiện hoạt động kinh doanh của mình.
Những vấn đề về đăng ký kinh doanh doanh nghiệp
Trong phần này, chúng tôi sẽ khái quát những vấn đề cơ bản trong việc đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, cụ thể như sau:
Doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh có bị xử phạt không?
Theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ – CP đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh không thực hiện đăng ký kinh doanh sẽ bị xử phạt như sau:
“Điều 6. Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định.”
Như vậy, nếu không thực hiện việc đăng ký kinh doanh thì công ty sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định trên. Đồng thời, chủ kinh doanh bị phạt tiền gấp đôi mức phạt đối với hành vi vi phạm trong trường hợp kinh doanh ngành, nghề thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Có mấy loại hình doanh nghiệp theo quy định hiện hành?
Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, hiện nay có 05 loại hình doanh nghiệp, cụ thể bao gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: Đây là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty sẽ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên: Số lượng thành viên của loại hình này có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Công ty cổ phần: Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp có đầy đủ tư cách pháp nhân, số lượng thành viên tối thiểu là 03 cổ đông và không hạn chế số lượng tối đa. Cổ đông chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp.
- Công ty hợp danh: Đây là loại hình doanh nghiệp phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung. Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể thêm thành viên góp vốn.
- Doanh nghiệp tư nhân: Doanh nghiệp tư nhân là loại hình do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Khi đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp phải thực hiện ở đâu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 32 Nghị định 01/2021/NĐ – CP về tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký, thì doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Tuy nhiên, với sự phát triển của mạng thông tin điện tử ngày nay, các cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục này có thể nộp hồ sơ tại Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến.
Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong bao lâu?
Theo quy định tại Điều 33 Nghị định 01/2021/NĐ – CP, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ tiến hành cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng như cập nhật thông tin thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Nếu quá thời hạn trên mà không được cấp cũng không có thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì người thành lập có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.