Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục quản lý đăng ký kinh doanh
Mục lục
Để tiến hành thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã,… các cá nhân, tổ chức cần phải đến Cục quản lý đăng ký kinh doanh để làm thủ tục. Điều này nhằm đảm bảo tính pháp lý, ràng buộc các chủ thể kinh doanh vào mối quan hệ và chịu sự quản lý của Nhà nước. Vậy nhiệm vụ, quyền hạn của Cục đăng ký kinh doanh được pháp luật quy định như thế nào?
Vị trí và chức năng của Cục quản lý về đăng ký kinh doanh
Theo Quyết định số 1888/QĐ – BKHĐT ngày 22/12/2017 của Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư, vị trí, chức năng của Cục quản lý về đăng ký kinh doanh được quy định như sau:
“Cục Quản lý đăng ký kinh doanh là đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã và các loại hình khác theo quy định của pháp luật.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh có tư cách pháp nhân; con dấu riêng và tài khoản cấp 2; kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp và được tổng hợp trong dự toán hàng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư”.
Như vậy, Cục quản lý đăng ký về kinh doanh có vị trí rất quan trọng trong bộ máy Nhà nước, đóng vai trò trong quá trình quản lý về đăng ký kinh doanh. Do đó, Cục có tư cách pháp nhân và được cấp ngân sách Nhà nước hàng năm để duy trì quá trình hoạt động.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục quản lý đăng ký kinh doanh
Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục quản lý đăng ký về kinh doanh được quy định cụ thể tại Điều 2 Quyết định số 1888/QĐ – BKHĐT. Cụ thể như sau:
Đối với nhiệm vụ, quyền hạn chính
Dưới đây là những nhiệm vụ, quyền hạn chính của Cục quản lý về đăng ký kinh doanh được thực hiện thường xuyên, chú trọng nhất, bao gồm:
- Chủ trì hoặc tham gia xây dựng, soạn thảo cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã và các loại hình khác theo quy định của pháp luật trình cấp có thẩm quyền ban hành.
- Ban hành hoặc tham gia xây dựng hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về quy trình chuyên môn, nghiệp vụ, biểu mẫu, chế độ báo cáo phục vụ công tác đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã và các loại hình khác theo quy định của pháp luật cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, cấp huyện và các tổ chức, cá nhân trên phạm vi cả nước.
- Theo dõi, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã và các loại hình doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật trên phạm vi cả nước; theo dõi, tổng hợp tình hình sau đăng ký doanh nghiệp.
Đối với nhiệm vụ, quyền hạn khác
Bên cạnh đó, Cục quản lý về đăng ký kinh doanh cũng thường phải chú trọng đến việc hướng dẫn, quản lý về thông tin doanh nghiệp. Đồng thời, Cục còn thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công Bộ trưởng,… Cụ thể gồm có:
“Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
4. Về thông tin đăng ký doanh nghiệp và các loại hình khác:
a) Tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã;
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc kết nối và trao đổi thông tin về đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã và các loại hình khác theo quy định của pháp luật;
c) Cung cấp thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã cho các tổ chức, cá nhân;
d) Phát hành ấn phẩm, tài liệu hướng dẫn, phổ biến pháp luật về đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã và các loại hình khác theo quy định của pháp luật.
5. Hướng dẫn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực phụ trách của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh và tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu.
6. Thực hiện hợp tác quốc tế về các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh.
7. Quản lý tổ chức, biên chế, tài sản được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
8. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Bộ trưởng”.