Nhiệm vụ và quyền hạn của cục quản lý đăng ký kinh doanh
Mục lục
Cục quản lý đăng ký kinh doanh là cơ quan công quyền, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đây là cơ quan có nhiệm vụ xây dựng, soạn thảo cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh,…
Sơ lược về Cục Quản lý đăng ký kinh doanh
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư – đơn vị chủ quản của Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia – được thành lập theo Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 9/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh.
Nhiệm vụ và quyền hạn của cục quản lý đăng ký kinh doanh
Điều 2 Quyết định số 1659/QĐ-TTg quy định nhiệm vụ và quyền hạn của cục quản lý đăng ký kinh doanh như sau:
“Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Chủ trì hoặc tham gia xây dựng, soạn thảo cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã và các loại hình khác theo quy định của pháp luật trình cấp có thẩm quyền ban hành.
2. Ban hành hoặc tham gia xây dựng hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về quy trình chuyên môn, nghiệp vụ, biểu mẫu, chế độ báo cáo phục vụ công tác đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã và các loại hình khác theo quy định của pháp luật cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, cấp huyện và các tổ chức, cá nhân trên phạm vi cả nước.
3. Theo dõi, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã và các loại hình doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật trên phạm vi cả nước; theo dõi, tổng hợp tình hình sau đăng ký doanh nghiệp.
4. Về thông tin đăng ký doanh nghiệp và các loại hình khác:
a) Tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã;
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc kết nối và trao đổi thông tin về đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã và các loại hình khác theo quy định của pháp luật;
c) Cung cấp thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã cho các tổ chức, cá nhân;
d) Phát hành ấn phẩm, tài liệu hướng dẫn, phổ biến pháp luật về đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã và các loại hình khác theo quy định của pháp luật.
5. Hướng dẫn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực phụ trách của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh và tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu.
6. Thực hiện hợp tác quốc tế về các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh.
7. Quản lý tổ chức, biên chế, tài sản được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.”
Cơ cấu tổ chức của Cục quản lý đăng ký kinh doanh
Các đơn vị hành chính gồm:
1. Phòng Tổng hợp chính sách và hợp tác quốc tế.
2. Phòng Nghiệp vụ đăng ký kinh doanh.
3. Phòng Giám sát nghiệp vụ đăng ký kinh doanh.
4. Phòng Thông tin và Cơ sở dữ liệu.
5. Văn phòng Cục.
Đơn vị sự nghiệp gồm:
6. Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh.
Biên chế công chức, viên chức và lao động hợp đồng hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước của Cục do Bộ trưởng quyết định.
8. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Bộ trưởng.