[Mới] Quy định về điều kiện đăng ký hộ kinh doanh cá thể
Mục lục
Đăng ký hộ kinh doanh cá thể là mô hình kinh doanh phổ biến tại Việt Nam, phù hợp với cá nhân hoặc hộ gia đình có quy mô nhỏ. Vậy điều kiện đăng ký hộ kinh doanh cá thể là gì? Hãy cùng Đăng ký Kinh doanh nhanh tìm hiểu rõ hơn qua bài viết sau đây nhé!
1. Hộ kinh doanh cá thể là gì? Khi nào nên đăng ký hộ kinh doanh cá thể
Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp định nghĩa về hộ kinh doanh cá thể như sau:
Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
Thông thường, các cá nhân hoặc hộ gia đình sau đây nên cân nhắc đăng ký hộ kinh doanh cá thể:
- Khách hàng không yêu cầu hóa đơn VAT: Nếu đối tượng khách hàng của bạn chủ yếu là người tiêu dùng cá nhân, không cần hóa đơn VAT để khấu trừ chi phí, thì việc đăng ký hộ kinh doanh sẽ giúp bạn đơn giản hóa các thủ tục thuế.
- Quy mô kinh doanh nhỏ lẻ: Với những hoạt động kinh doanh nhỏ, vốn đầu tư ít, hộ kinh doanh cá thể là lựa chọn phù hợp và tiết kiệm chi phí.
- Cần hợp pháp hóa hoạt động kinh doanh: Để đảm bảo hoạt động kinh doanh của mình tuân thủ pháp luật và tránh những rủi ro không đáng có, việc đăng ký hộ kinh doanh là cần thiết.
2. Điều kiện đăng ký hộ kinh doanh cá thể
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 82, Nghị định 01/2021/NĐ-CP, điều kiện đăng ký hộ kinh doanh cá thể được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh như sau:
– Kinh doanh các ngành, nghề không thuộc phạm vi bị cấm đầu tư kinh doanh.
– Việc đặt tên hộ kinh doanh phải đảm bảo tuân thủ theo quy định tại Điều 88, Nghị định này:
- Tên của hộ kinh doanh bao gồm hai thành phần: Cụm từ “Hộ kinh doanh” và Tên riêng của hộ kinh doanh. Trong đó, tên riêng hộ kinh doanh sử dụng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W và có thể kèm theo chữ số, ký hiệu.
- Không được sử dụng những từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa hay thuần phong mỹ tục của dân tộc.
- Hộ kinh doanh khi đặt tên không được sử dụng các từ “doanh nghiệp”, “công ty” để đặt tên hộ kinh doanh.
- Tên riêng của hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh khác đã đăng ký kinh doanh trong phạm vi cấp huyện.
– Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh đảm bảo hợp lệ.
– Nộp đủ lệ phí đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.
Xem thêm: [Mới] Hướng dẫn đăng ký thuế hộ kinh doanh cá thể theo quy định
3. Đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể ở đâu?
Cá nhân có thể nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp huyện nơi đặt trụ sở kinh doanh.
Ngoài ra, để thuận tiện hơn, người dân có thể thực hiện thủ tục đăng ký trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Sau khi hồ sơ được tiếp nhận, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xem xét và xử lý. Kết quả thẩm định hồ sơ sẽ được thông báo trực tiếp đến người nộp đơn qua tài khoản đăng ký, bao gồm cả trường hợp hồ sơ hợp lệ, cần bổ sung hoặc bị từ chối.
4. Thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể
Theo quy định, sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong vòng 3 ngày làm việc. Để được cấp giấy chứng nhận, hồ sơ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
- Tên của hộ kinh doanh được đặt theo đúng quy định tại Điều 88 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
- Nộp đủ lệ phí đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ hoặc người thành lập hộ kinh doanh biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).
Nếu sau 3 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.