Hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh ở đâu?
Mục lục
Xuất phát từ qui mô và phạm vi hoạt động nhỏ hẹp của hộ kinh doanh nên việc đăng ký có phần đơn giản hơn. Khác với doanh nghiệp, hộ kinh doanh có một quy trình đăng ký riêng biệt hơn. Ngoài việc khác biệt về thủ tục thì nơi đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh cũng khác biệt. Vậy hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh ở đâu, hãy cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu ngay sau đây.
Thủ tục đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh
Trình tự và thủ tục đăng ký của hộ kinh doanh tương đối đơn giản hơn so với doanh nghiệp. Qúa trình này sẽ hoàn tất khi hộ kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thủ tục này bao gồm các bước sau:
Nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh
Cá nhân hoặc người đại diện thực hiện nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh và được trao biên nhận nộp hồ sơ.
Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh sẽ bao gồm các loại giấy tờ sau:
– Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh
– Bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình:
– Biên bản họp của nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh (đối với hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập);
Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Giấy chứng nhận chỉ được cấp khi hồ sơ đáp ứng các điều kiện sau:
– Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;
– Tên hộ kinh doanh dự định đăng ý phải phù hợp với quy định;
– Nộp đủ lệ phí đăng ký kinh doanh theo quy định;
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thì hộ kinh doanh đã có thể tiến hành các hoạt động kinh doanh. Riêng với ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì còn có một số lưu ý khác.
Cơ quan đăng ký kinh doanh ở đâu?
Cơ quan đăng ký kinh doanh
Theo quy định thì doanh nghiệp thực hiện đăng ký kinh doanh ở Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh. Tuy nhiên cơ quan này không có thẩm quyền trong việc đăng ký của hộ kinh doanh. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị định 78/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 108/2018/NĐ-CP) thì thẩm quyền trong trường hợp này thuộc về Phòng Tài chính – Kế hoạch. Cụ thể ở cấp huyện Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ đăng ký hộ kinh doanh.
Chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đăng ký kinh doanh
Chức năng và nhiệm vụ của cơ quan này được quy định tại Điều 15 Nghị định 78/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 108/2018/NĐ-CP). Theo đó cơ quan này có trách nhiệm:
– Trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh. Xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận.
– Phối hợp xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin về hộ kinh doanh hoạt động trên phạm vi địa bàn. Định kỳ báo cáo về tình hình đăng ký hộ kinh doanh trên địa bàn.
– Trực tiếp kiểm tra hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra hộ kinh doanh theo nội dung trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh. Hướng dẫn hộ kinh doanh và người thành lập hộ kinh doanh về hồ sơ, trình tự, thủ tục.
– Yêu cầu hộ kinh doanh báo cáo tình hình kinh doanh khi cần thiết;
– Yêu cầu hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi phát hiện hộ kinh doanh không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh;
– Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong các trường hợp quy định
– Đăng ký cho các loại hình khác theo quy định của pháp luật.