Điều kiện đăng ký kinh doanh ngành bảo hiểm
Mục lục
Hiện nay xu hướng tham gia các loại bảo hiểm của người dân đang khá thịnh hành. Thị trường cùng vì thế mà có đa dạng các loại bảo hiểm dịch vụ khác nhau như: bảo hiểm thân thể, bảo hiểm nhân thọ… Nhằm đáp ứng nhu cầu trên, các công ty kinh doanh bảo hiểm cũng được thành lập nhiều hơn. Tuy nhiên các công ty đó nếu muốn hoạt động thì phải đáp ứng điều kiện đăng ký kinh doanh. Khi đáp ứng những yêu cầu thì công ty mới được cấp giấy phép hoạt động chính thức.
Điều kiện cấp giấy phép thành lập
Ngành nghề kinh doanh bảo hiểm được xe là một trong số những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Do vậy muốn hoạt động trong lĩnh vực này thì doanh nghiệp cần có giấy phép thành lập và hoạt động. Để được cấp loại giấy phép đó thì cần đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 6 Nghị định 73/2016/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 151/2018/NĐ-CP) như sau:
– Tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn phải góp vốn bằng tiền và không được sử dụng vốn vay, vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để tham gia góp vốn;
– Tổ chức tham gia góp vốn từ 10% vốn điều lệ trở lên phải hoạt động kinh doanh có lãi trong 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
– Tổ chức tham gia góp vốn hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định phải bảo đảm vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn dự kiến góp;
– Trường hợp tổ chức tham gia góp vốn là doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty chứng khoán thì các tổ chức này phải bảo đảm duy trì và đáp ứng các điều kiện an toàn tài chính và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho phép tham gia góp vốn theo quy định pháp luật chuyên ngành.
– Có hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép theo quy định tại Nghị định này.
Điều kiện thành lập doanh nghiệp bảo hiểm
Ngoài điều kiện về giấy phép thì điều kiện đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm còn bao gồm cả điều kiện về doanh nghiệp. Đối với ngành nghề khác thì có thể tự do lựa chọn loại hình nhưng lĩnh vực này lại khác. Nếu lựa chọn hình thức công ty TNHH hay CTCP thì còn cần đáp ứng một số tiêu chí nhất định. Vấn đề này được quy định tại Điều 7 Nghị định 73/2016/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 151/2018/NĐ-CP):
Điều kiện thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm
Ngoài các điều kiện chung quy định tại Điều 6 Nghị định này, thành viên tham gia góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm phải là tổ chức và đáp ứng các điều kiện sau đây:
Đối với tổ chức nước ngoài
– Là doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dự kiến tiến hành tại Việt Nam hoặc công ty con chuyên thực hiện chức năng đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài ủy quyền để góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam;
– Có ít nhất 7 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực dự kiến tiến hành tại Việt Nam;
– Có tổng tài sản tối thiểu tương đương 02 tỷ đô la Mỹ vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
– Không vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm của nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính trong thời hạn 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
Đối với tổ chức Việt Nam
– Có tổng tài sản tối thiểu 2.000 tỷ đồng Việt Nam vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
Điều kiện thành lập công ty cổ phần bảo hiểm
Ngoài các điều kiện chung quy định tại Điều 6 Nghị định này, công ty cổ phần bảo hiểm dự kiến thành lập phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Có tối thiểu 02 cổ đông là tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này và 02 cổ đông này phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 20% số cổ phần của công ty cổ phần bảo hiểm dự kiến được thành lập;
Điều kiện về vốn pháp định
Vốn là một trong những điều kiện kinh doanh nói chung và đối với lĩnh vực bảo hiểm nói riêng. Vì khi muốn thành lập doanh nghiệp thì doanh nhân cần có một nguồn vốn nhất định. Mức vốn đó tối thiểu phải bằng mức vốn pháp định được quy định tại Điều 10 Nghị định này. Theo đó:
Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ
– Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này) và bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng Việt Nam;
– Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 350 tỷ đồng Việt Nam;
– Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 400 tỷ đồng Việt Nam.
Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ
– Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí) và bảo hiểm sức khỏe: 600 tỷ đồng Việt Nam;
– Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí: 800 tỷ đồng Việt Nam;
– Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này, bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí: 1.000 tỷ đồng Việt Nam.
Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe
Mức vốn pháp định: 300 tỷ đồng Việt Nam.
Mức vốn pháp định của chi nhánh nước ngoài
– Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ bảo hiểm sức khỏe: 200 tỷ đồng Việt Nam;
– Kinh doanh bảo hiểm và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 250 tỷ đồng Việt Nam;
– Kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 300 tỷ đồng Việt Nam.
Mức vốn pháp định của doanh nghiệp tái bảo hiểm
– Kinh doanh tái bảo hiểm phi nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 400 tỷ đồng Việt Nam;
– Kinh doanh tái bảo hiểm nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 700 tỷ đồng Việt Nam;
– Kinh doanh cả 3 loại hình tái bảo hiểm nhân thọ, tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 1.100 tỷ đồng Việt Nam.
Mức vốn pháp định của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm
– Kinh doanh môi giới bảo hiểm gốc hoặc môi giới tái bảo hiểm: 4 tỷ đồng Việt Nam;
– Kinh doanh môi giới bảo hiểm gốc và môi giới tái bảo hiểm: 8 tỷ đồng Việt Nam.