Doanh nghiệp thương mại ở Việt Nam
Mục lục
Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường cực kỳ tiềm năng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại trên thị trường Việt Nam phát triển mạnh mẽ và liên tục. Để giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan hơn về các loại hình doanh nghiệp thương mại ở Việt Nam, Phan Law Vietnam xin cung cấp các thông tin pháp lý sơ lược ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân là một trong những loại doanh nghiệp thương mại ở Việt Nam. Đây là loại hình doanh nghiệp được thành lập bởi cá nhân. Chủ sở hữu doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Theo quy định tại Điều 183 Luật Doanh nghiệp 2014:
- Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
- Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh.
- Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Với các tính chất trên, doanh nghiệp tư nhân chính là tài sản riêng của cá nhân chủ sở hữu. Bạn hoàn toàn có thể thực hiện các quyền tài sản đối với doanh nghiệp như bán, cho thuê, chuyển nhượng…
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Trong các loại doanh nghiệp thương mại ở Việt Nam, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chiếm số lượng rất lớn. Theo định nghĩa tại Điều 73 Luật Doanh nghiệp 2014:
“1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty); chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được quyền phát hành cổ phần.”
Khác với doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chỉ phải chịu trách nhiệm dựa trên số vốn mà mình đưa vào khi thành lập. Cũng vì vậy, bạn phải xác định và tách biệt tài sản của chủ sở hữu công ty và tài sản của công ty. Chủ sở hữu công ty là cá nhân phải tách biệt các chi tiêu của cá nhân và gia đình mình với các chi tiêu trên cương vị là Chủ tịch công ty và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là loại còn lại của loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn. Cũng như công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được quyền phát hành cổ phần và có tư cách pháp nhân.Đây là doanh nghiệp có:
- Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50
- Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 48 của Luật này
- Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các Điều 52, 53 và 54 của Luật Doanh nghiệp 2014
Cơ cấu tổ chức của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được quy định tại Điều 55 Luật Doanh nghiệp 2014: “có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát; trường hợp có ít hơn 11 thành viên, có thể thành lập Ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị công ty. Quyền, nghĩa vụ, tiêu chuẩn, điều kiện và chế độ làm việc của Ban kiểm soát, Trưởng Ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định.”