Điều kiện thành lập công ty TNHH
Mục lục
Mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có những điều kiện để thành lập riêng. Các quy định về chủ thể thành lập, số vốn thành lập, điều kiện về loại hình doanh nghiệp đã gây không ít khó khăn cho các nhà đầu tư. Nếu các bạn muốn thành lập công ty TNHH hãy tìm hiểu kỹ những điều kiện thành lập công ty TNHH qua bài viết dưới đây.
1. Điều kiện thành lập công ty TNHH
Công ty TNHH là loại hình doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, được thành lập và tồn tại độc lập đối với những chủ thể sở hữu nó. Trên phương diện pháp luật loại hình doanh nghiệp này có tư cách pháp nhân, chủ sở hữu công ty là thể nhân với các nghĩa vụ và quyền tương ứng với quyền sở hữu công ty.
Công ty TNHH là loại hình doanh nghiệp có không nhiều hơn 50 thành viên cùng góp vốn thành lập.
Theo khoản 7 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020, Công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm hai loại hình. Đó là: công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Những người góp vốn có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Người góp vốn sở hữu một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của Công ty gọi là thành viên góp vốn.
- Công ty TNHH 1 thành viên là: 1 hình thức đặc biệt của công ty TNHH do một tổ chức hay một cá nhân là chủ sở hữu chịu toàn bộ trách nhiệm trước pháp luật;
- Công ty TNHH 2 thành viên là: có 2 thành viên trở lên và không vượt quá 50 thành viên chịu toàn bộ trách nhiệm trước pháp luật.
Công ty TNHH được thành lập cần đáp ứng những điều kiện sau:
Thứ nhất: Điều kiện về tên công ty
Tên công ty không được phép trùng hoặc dễ gây nhầm lẫn với công ty khác đã thực hiện đăng ký trên cùng địa bản tỉnh, thành phố.
Khi đặt tên công ty bắt buộc phải được viết bằng tiếng Việt, kèm theo đó là chữ số và ký hiệu, phải phát âm được và phải có ít nhất hai thành tố: loại hình doanh nghiệp và tên riêng.
Thứ hai: Điều kiện về trụ sở của công ty
Trụ sở chính của doanh nghiệp là phải ở trên lãnh thổ của đất nước Việt Nam, có địa chỉ được xác định cụ thể.
Lưu ý 1: Khi chỗ đặt trụ sở chưa có số nhà hoặc chưa có tên đường thì phải có xác nhận của địa phương là địa chỉ đó chưa có số nhà, tên đường nộp kèm theo hồ sơ.
Lưu ý 2: Khi địa chỉ dự định thuê làm trụ sở văn phòng trong tòa nhà thì cần kiểm tra xem giấy tờ căn chung cư đó có chức năng để thương mại/làm văn phòng không trước khi thực hiện ký hợp đồng thuê.
Thứ ba: Điều kiện về ngành nghề kinh doanh
Tuỳ từng ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện trước khi đăng ký hoặc sau khi đăng ký kinh doanh, ví dụ như: kinh doanh những ngành nghề yêu cầu mức vốn pháp định thì công ty/doanh nghiệp đó phải chứng minh họ có số vốn pháp định theo luật định trước khi đăng ký kinh doanh…
Thứ tư: Điều kiện về vốn
Vốn đầu tư thành lập doanh nghiệp phải phù hợp với lĩnh vực, ngành nghề và quy mô kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp có kinh doanh ngành nghề cần vốn pháp định thì vốn đầu tư ban đầu không thấp hơn mức vốn pháp định này.
2. Các bước thành lập công ty TNHH
Để thành lập công ty TNHH, bạn cần thực hiện các bước như sau:
2.1. Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ thành lập công ty TNHH gồm các giấy tờ:
- Đơn đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ doanh nghiệp;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ 2 thành viên trở lên cần có danh sách thành viên;
- Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Hộ chiếu còn hiệu lực của thành viên công ty;
- Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và kèm theo các giấy tờ chứng thực cá nhân, quyết định uỷ quyền của Người đại diện theo uỷ quyền của tổ chức;
- Đối với thành viên là tổ chức cần có quyết định góp vốn;
- Một số tài liệu khác trong trường hợp đặc biệt.
2.2. Nộp hồ sơ
Doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch Đầu tư nơi đặt trụ sở công ty. Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có hợp lệ hay không. Nếu hồ sơ được duyệt cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.
2.3. Công bố thông tin, khắc dấu pháp nhân
Khi công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì đồng thời được công bố thông tin doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia. Tiếp theo, công ty cần khắc con dấu để sử dụng cho các giao dịch hoặc có thể sử dụng chữ ký số để thay thế.
Theo Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020, các công ty được tự quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung của con dấu. Vì vậy, doanh nghiệp có thể khắc nhiều con dấu và không bị giới hạn. Tuy nhiên các con dấu của công ty cần đảm bảo đồng nhất về hình thức và chứa các tên, mã số của doanh nghiệp.