Điều kiện để Công ty nước ngoài thành lập Công ty con tại Việt Nam
Mục lục
Theo quy định của Luật Đầu tư 2020 thì một trong những hình thức để gia nhập vào thị trường Việt Nam đó là Công ty nước ngoài thành lập Công ty con tại Việt Nam. Việc những Công ty nước ngoài thành lập Công ty con tại Việt Nam cũng không còn quá xa lạ bởi nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế đa quốc gia hiện nay đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Như vậy, điều kiện để một Công ty nước ngoài thành lập Công ty con tại Việt Nam là gì và phải tuân thủ theo những quy định nào? Hãy tham khảo bài viết dưới đây của Phan Law Vietnam.
1. Cơ sở pháp lý
- Luật Doanh nghiệp 2020;
- Luật Đầu tư 2020.
2. Mối quan hệ giữa Công ty mẹ và Công ty con là gì?
– Theo quy định tại Điều 195 Luật Doanh nghiệp 2020 về Công ty mẹ và Công ty con, theo đó:
“1. Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;
b) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;
c) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.
2. Công ty con không được đầu tư mua cổ phần, góp vốn vào công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được đồng thời cùng góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.
3. Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác hoặc để thành lập doanh nghiệp mới theo quy định của Luật này.”
Công ty mẹ và Công ty con là 2 chủ thể độc lập có tư cách pháp nhân riêng biệt, không giống với chi nhánh hay văn phòng đại diện. Theo đó, Công mẹ ty có sự ràng buộc về lợi ích kinh tế nên có quyền chi phối các quyết định của Công ty con.
Việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của Công ty mẹ với tư cách là thành viên, chủ sở hữu hay cổ đông còn tùy thuộc vào loại hình pháp lý của Công ty con theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và các quy định khác có liên quan.
3. Điều kiện để Công ty nước ngoài thành lập Công ty con tại Việt Nam
Công ty nước ngoài thành lập Công ty con tại Việt Nam là hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế. Theo đó, Công ty nước ngoài phải thực hiện đầy đủ các thủ tục xin cấp GCN đăng ký đầu tư, phải đáp ứng các điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, phạm vi hoạt động, hình thức đầu tư, đối tác Việt Nam tham gia hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Theo pháp luật Việt Nam hiện nay, có 4 loại hình để Công ty nước ngoài thành lập Công ty con tại Việt Nam gồm:
- Công ty cổ phần;
- Công ty TNHH một thành viên/ hai thành viên trở lên;
- Công ty hợp danh;
- Doanh nghiệp tư nhân.
Tùy thuộc vào nhu cầu của Công ty mà lựa chọn mô hình doanh nghiệp phù hợp để đưa vào hoạt động và đầu tư phát triển.
Xem thêm bài viết: Luật thành lập doanh nghiệp mới nhất là gì?
4. Công ty nước ngoài thành lập Công ty con tại Việt Nam cần những thủ tục gì?
Công ty nước ngoài thành lập Công ty con tại Việt Nam cần tiền hành những thủ tục sau:
Bước 1: Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm:
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
- Bản đề xuất dự án đầu tư;
- Bản sao CMND, CCCD hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
- Bản sao một trong các tài liệu sau: Báo cáo tài chính 2 năm gần nhất; Bản cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ hoặc của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính;
- Quyết định thành lập;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê nhà;
- Bản sao đăng ký kinh doanh Công ty nước ngoài;
- Điều lệ Công ty nước ngoài;
- Giấy giới thiệu nộp hồ sơ.
Bước 2: Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Công ty mẹ nộp hồ sơ đề nghị thành lập Công ty con đến Sở Kế hoạch và đầu tư cấp tỉnh nơi Công ty con đặt trụ sở chính. Hồ sơ đề nghị thành lập Công ty con bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký thành lập Công ty con;
- Quyết định thành lập Công ty con;
- Biên bản thành lập Công ty con;
- Thông báo thành lập Công ty con;
- Dự thảo Điều lệ Công ty;
- Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định;
- Danh sách thành viên, bản sao CMND, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của mỗi thành viên;
- Chứng chỉ hành nghề của nhân viên công ty và cá nhân khác đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ cấp giấy đăng ký kinh doanh cho Công ty con.
Bước 3: Thủ tục khắc dấu pháp nhân và đăng tải mẫu dấu của công ty
Thời hạn hoàn thành từ 02 – 03 ngày làm việc.
Một số lưu ý khi Công ty nước ngoài thành lập Công ty con tại Việt Nam:
- Công ty con không được mua cổ phần của Công ty mẹ hay đầu tư góp vốn cho Công ty mẹ;
- Các Công ty con của cùng một Công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau;
- Các Công ty con có cùng một Công ty mẹ sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp;
- Công ty mẹ chịu trách nhiệm hữu hạn đối với Công ty con.
5. Phan Law Vietnam cung cấp dịch vụ hỗ trợ thủ tục Công ty nước ngoài thành lập Công ty con tại Việt Nam
Đội ngũ Luật sư và nhân viên Pháp lý tại Phan Law Vietnam sẽ cung cấp cho Khách hàng dịch vụ thành lập Công ty con chuyên nghiệp, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí. Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, chúng tôi luôn mang đến cho Khách hàng những giải pháp tốt nhất giúp tối ưu hoá quy trình xin và cấp giấy phép.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tư vấn về các mô hình và cơ cấu tổ chức của Công ty, phương thức hoạt động và điều hành Công ty. Phan Law Vietnam sẽ thay bạn chuẩn bị và hoàn tất hồ sơ đề nghị cấp GCN đăng ký đầu tư.
Như vậy, nếu Công ty nước ngoài thành lập Công ty con tại Việt Nam sẽ mang đến nhiều ưu điểm và lợi ích cho Công ty mẹ.