Công ty trách nhiệm hữu hạn là gì?
Mục lục
Công ty trách nhiệm hữu hạn được công nhận là một loại hình doanh nghiệp chính thức của Việt Nam. Đây là loại hình doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, được thành lập và tồn tại độc lập. Chủ sở hữu của công ty sẽ hoàn toàn tách bạch với các trách nhiệm tài chính của công ty. Trên phương diện pháp luật, công ty trách nhiệm hữu hạn có thể tồn tại dưới hai hình thức. Mỗi hình thức đó sẽ có những đặc điểm và cơ chế tổ chức cũng như quy chế pháp lý khác nhau.
1. Các loại hình công ty TNHH
Công ty trách nhiệm hữu hạn là loại hình kinh tế pháp nhân được xây dựng và thành lập bởi tổ chức hoặc cá nhân. Về cơ bản một công ty ở dạng này thường có số lượng thành viên không quá 50 người. Trong loại hình này sẽ bao gồm hai loại hình chính là công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH hai thành viên trở lên.
1.1. Công ty TNHH một thành viên
Điều 73 Luật doanh nghiệp 2014 có định nghĩa chi tiết về loại hình doanh nghiệp này. Theo đó Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
Về tư cách pháp nhân, loại hình Công ty trách nhiệm hữu hạn này được công nhận có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Điểm hạn chế của công ty này chính là không được quyền phát hành cổ phần.
1.2. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Nhằm phù hợp với nhu cầu hợp tác của các nhà đầu tư mà pháp luật còn mở rộng thêm cho loại hình công ty TNHH. Bên cạnh công ty một thành viên thì các cá nhân, tổ chức còn có quyền hình thành các công ty có từ hai thành viên trở lên. Khi đó loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên sẽ được áp dụng. Căn cứ Điều 47 Luật doanh nghiệp 2014 thì doanh nghiệp này có những đặc điểm sau:
– Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50;
– Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 48 của Luật này;
– Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định
– Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được quyền phát hành cổ phần.
2. Ưu điểm và khuyết điểm của công ty trách nhiệm hữu hạn là gì?
Nếu bạn đang có ý định thành lập công ty TNHH, hãy điểm qua các ưu điểm và hạn chế của loại hình này như sau:
2.1. Ưu điểm
Dựa trên các đặc điểm pháp lý thì có thể thấy loại hình doanh nghiệp này sở hữu các ưu điểm như:
– Quyền quyết định mọi vấn đề của công ty (đối với công ty TNHH MTV). Còn với công ty TNHH 2TV thì cũng không quá phức tạp do các thành viên thường có mối quan hệ trước đó nên dễ dàng trong việc điều hành, quản lý.
– Thành viên chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác trong phần vốn góp vào công ty.
– Không có bất kỳ sự liên quan nào giữa nghĩa vụ của công ty với tài sản cá nhân
– Công ty TNHH 2TV có thể chuyển nhượng vốn theo quy định pháp luật
– Được phép phát hành trái phiếu để huy động vốn dễ dàng hơn so với DNTN
2.2. Hạn chế của loại hình TNHH
Tuy nhiên xét về các khía cạnh hợp tác thì công ty TNHH có tồn tại một số hạn chế sau:
– Số lượng thành viên bị giới hạn không được vượt quá 50
– Không được phép phát hành cổ phiếu để huy động vốn. Do đó bị hạn chế với việc huy động con số lớn trong thời gian ngắn
– Vì tính chất chịu trách nhiệm hữu hạn nên khó tạo được lòng tin với những đối tác mới.