Công ty TNHH hai thành viên được tổ chức thế nào?
Mục lục
Công ty TNHH hai thành viên trở lên là loại hình doanh nghiệp được ứng dụng rộng rãi nhất hiện nay. Loại hình doanh nghiệp này sẽ được tổ chức gồm tổng hợp các bộ phận, đơn vị và cá nhân khác nhau. Những tổ chức này có mối liên hệ phụ thuộc với nhau để cùng thực hiện các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu muốn điều hành công ty hiệu quả thì trước hết phải nắm rõ về cơ cấu tổ chức.
1. Công ty TNHH hai thành viên là gì?
Điều 47 Luật doanh nghiệp 2014 có thể chế hoá về loại hình doanh nghiệp này. Theo đó công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là loại hình doanh nghiệp có:
– Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50;
– Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 48 của Luật này;
– Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các Điều 52, 53 và 54 của Luật này.
– Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được quyền phát hành cổ phần.
2. Cơ cấu tổ chức quản lý công ty TNHH hai thành viên
Vì có sự hợp tác giữa các thành viên khác nhau nên mô hình tổ chức của công ty TNHH 2TV sẽ có sự khác biệt hơn so với công ty TNHH MTV. Theo quy định tại Điều 55 Luật doanh nghiệp 2014 thì công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên sẽ có:
– Hội đồng thành viên
– Chủ tịch Hội đồng thành viên
– Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Riêng với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ 11 thành viên trở lên thì buộc phải thành lập Ban kiểm soát. Nếu có ít hơn 11 thành viên, có thể thành lập Ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị công ty. Quyền, nghĩa vụ, tiêu chuẩn, điều kiện và chế độ làm việc của Ban kiểm soát, Trưởng Ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định.
2.1. Hội đồng thành viên
Hội đồng thành viên có thể được xem là cơ quan đầu não trong cơ cấu quản lý của loại hình doanh nghiệp này. Cơ quan này sẽ tập hợp tất cả các thành viên công ty và là cơ quan có quyền quyết định cao nhất. Cuộc họp định kỳ của Hội đồng sẽ theo quy định trong điều lê công ty nhưng ít nhất mỗi năm phải họp một lần.
Các thành viên của Hội đồng thành viên sẽ có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 56 Luật này. Trường hợp cá nhân là thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn bị tạm giam, bị kết án tù hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề theo quy định của Bộ luật hình sự, thành viên đó ủy quyền cho người khác tham gia Hội đồng thành viên công ty.
2.2. Chủ tịch Hội đồng thành viên
Một thành viên trong Hội đồng thành viên sẽ được chọn để giữ chức vụ bầu một thành viên làm Chủ tịch. Thành viên này đồng thời có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty. Nhiệm kỳ của Chủ tịch Hội đồng thành viên không quá 05 năm. Chủ tịch Hội đồng thành viên có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
Trường hợp vắng mặt hoặc không đủ năng lực để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, thì Chủ tịch Hội đồng thành viên ủy quyền bằng văn bản cho một thành viên thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty.
Nếu không có thành viên được ủy quyền thì một trong số các thành viên Hội đồng thành viên triệu tập họp các thành viên còn lại bầu một người trong số các thành viên tạm thời thực hiện quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên theo nguyên tắc đa số quá bán.
2.3. Giám đốc, Tổng giám đốc
Giám đốc hay Tổng giám đốc cũng là một trong những vị trí chủ lực của bộ máy quản lý công ty TNHH hai thành viên. Những hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty đều sẽ do chủ thể này điều hàng. Đồng thời giám đốc hay Tổng giám đốc còn phải chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Quyền và nghĩa vụ sẽ được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 64 Luật doanh nghiệp 2014.