Công ty mới thành lập có phải đóng bảo hiểm không? Khi nào cần đóng bảo hiểm
Mục lục
Công ty mới thành lập có phải đóng bảo hiểm không là một trong những câu hỏi thường gặp từ doanh nghiệp mới thành lập. Vậy quy định về việc đóng bảo hiểm cho công ty mới thành lập là như thế nào? Hãy cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu câu trả lời qua bài viết dưới đây.
1. Công ty mới thành lập có phải đóng bảo hiểm không?
Công ty mới thành lập cần tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đúng theo mức quy định của nhà nước. Chưa có luật quy định thời gian cụ thể để công ty mới thành lập đóng bảo hiểm. Tuy nhiên, bất kỳ công ty nào cũng phải tham gia bảo hiểm ngay khi có sự thỏa thuận ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản.
Bởi theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014 nêu rõ như sau:
Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
Từ đó có thể thấy công ty nào ký hợp đồng lao động với người lao động bán thời gian/thời vụ trên 1 tháng cũng có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội. Vì vậy, các công ty mới thành lập khi tuyển dụng nhân viên và ký hợp đồng đều phải đóng bảo hiểm đầy đủ để tránh bị Nhà nước xử phạt.
2. Các quy định liên quan đến bảo hiểm cho công ty mới thành lập
2.1. Hồ sơ bắt buộc để công ty đăng ký bảo hiểm xã hội
Theo Quyết định số 772/QĐ-BHXH, doanh nghiệp cần có những giấy tờ sau để làm thủ tục đóng bảo hiểm xã hội:
- Tờ khai đơn vị tham gia bao gồm các thông tin cơ bản như tên, mã số bảo hiểm xã hội (còn gọi là mã đơn vị bảo hiểm xã hội), mã số thuế… (Mẫu TK3-TS);
- Báo cáo danh sách số lượng lao động thực tế (Mẫu D02-LT);
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh công ty (bản sao);
- Hợp đồng lao động với người lao động có chữ ký và đóng dấu của công ty.
Điều quan trọng khi làm đơn là nhận được tờ khai đơn vị (hay còn gọi là mã đơn vị). Sau khi đáp ứng yêu cầu của cơ quan Bảo hiểm xã hội, mã sẽ được cấp trong vòng 07 ngày làm việc.
Lưu ý, đối với các công ty mới thành lập muốn kê khai bảo hiểm cho nhân viên mới phải đăng ký đầy đủ trong vòng 30 ngày kể từ ngày đăng tuyển và ký hợp đồng lao động.
Xem thêm: Công ty mới thành lập muốn vay vốn ngân hàng được không?
2.2. Công ty mới thành lập chỉ tham gia đóng bảo hiểm xã hội mà không đóng bảo hiểm y tế có được không?
Trường hợp doanh nghiệp chỉ tham gia bảo hiểm xã hội mà không tham gia bảo hiểm y tế là chưa đáp ứng yêu cầu của Luật Bảo hiểm xã hội. Theo quy định có nêu rõ bảo hiểm y tế là một phần trong bảo hiểm, tỷ lệ đóng đối với doanh nghiệp là 3% và đối với người lao động là 1,5%. Bên cạnh đó, công ty không chỉ phải đóng bảo hiểm y tế mà còn phải đóng bảo hiểm thất nghiệp mới được coi là được đóng bảo hiểm đầy đủ.
2.3 Công ty mới thành lập không đóng bảo hiểm có bị phạt không?
Do việc đóng bảo hiểm là trách nhiệm của người sử dụng lao động. Nên nếu công ty mới thành lập nằm trong diện phải đóng bảo hiểm nhưng có hành vi trốn tránh hoặc không đóng đủ số lượng người lao động thì có thể bị phạt tới 75.000.000 đồng.
3. Cần lưu ý gì khi đăng ký bảo hiểm cho công ty mới thành lập?
Công ty phải hoàn tất thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội lần đầu trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công ty ký hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng tuyển dụng với người lao động.
Khi mỗi doanh nghiệp đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu tại cơ sở hành chính cấp huyện, thành phố, huyện sẽ được cấp mã đơn vị để cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội tại đó theo dõi riêng.
Khi thay đổi địa chỉ sang huyện, tỉnh khác, doanh nghiệp phải thông báo cắt giảm lao động và đóng sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đồng thời, khi chuyển đến huyện, tỉnh mới, doanh nghiệp phải đăng ký mã đơn vị bảo hiểm xã hội mới và nộp hồ sơ bảo hiểm xã hội lần đầu.