Cách thành lập công ty xuất nhập khẩu từ A đến Z chi tiết
Mục lục
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, các nước đều tập trung phát triển hoạt động xuất nhập khẩu. Bởi vì hoạt động này đem lại lợi nhuận kinh tế cao và tăng khả năng giao lưu giữa kinh tế các nước với nhau. Vậy cách thành lập công ty xuất nhập khẩu từ A đến Z là gì? Hãy cùng Đăng ký Kinh doanh nhanh tìm hiểu chi tiết việc thành lập công ty xuất nhập khẩu qua bài viết sau!
1. Công ty xuất nhập khẩu là gì? Hoạt động xuất nhập khẩu
Công ty xuất nhập khẩu là một loại hình doanh nghiệp có vai trò cầu nối giữa các quốc gia, giúp đưa hàng hóa từ nước này sang nước khác. Nói một cách đơn giản, công ty này mua hàng hóa từ các nhà sản xuất trong nước để bán ra thị trường quốc tế (xuất khẩu), hoặc nhập khẩu các sản phẩm từ nước ngoài về bán cho người tiêu dùng trong nước.
Lợi ích của các công ty xuất nhập khẩu là việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bằng cách kết nối các thị trường trong và ngoài nước, các doanh nghiệp này tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, tăng kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và tạo việc làm cho người dân.
Các hoạt động chính của công ty xuất nhập khẩu bao gồm:
- Tìm kiếm và thiết lập quan hệ với các nhà cung cấp, nhà sản xuất hàng hóa ở nước ngoài.
- Xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng xuất khẩu.
- Làm thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
- Vận chuyển, bảo quản, lưu kho, giao nhận hàng hóa.
- Các dịch vụ hỗ trợ như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, môi giới…
2. Cách thành lập công ty xuất nhập khẩu như thế nào?
Để thành lập công ty xuất nhập khẩu thì chủ doanh nghiệp cần thực hiện theo quy trình cơ bản sau:
2.1. Bước 1: Chuẩn bị thông tin công ty
Để thành lập một công ty kinh doanh xuất nhập khẩu, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các thủ tục sau:
- Đặt tên công ty: Tên công ty phải tuân thủ quy định pháp luật, không được trùng với tên của bất kỳ công ty nào đã đăng ký trước đó. Ngoài ra, tên công ty nên sử dụng tiếng Việt và các từ ngữ mang ý nghĩa tích cực, phù hợp với văn hóa kinh doanh của Việt Nam.
- Chọn loại hình công ty: Việc lựa chọn loại hình công ty sẽ ảnh hưởng đến quy mô, cấu trúc quản lý và trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp. Tùy thuộc vào quy mô hoạt động và số lượng thành viên, bạn có thể lựa chọn các loại hình như công ty TNHH, công ty cổ phần hoặc doanh nghiệp tư nhân.
- Xác định vốn điều lệ: Vốn điều lệ là số vốn mà các thành viên góp vào để thành lập công ty. Mức vốn điều lệ không bị pháp luật quy định cụ thể, tuy nhiên, bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo có đủ vốn để hoạt động kinh doanh hiệu quả.
- Xác định ngành nghề kinh doanh: Ngành nghề kinh doanh xuất nhập khẩu rất đa dạng, bạn cần xác định rõ những mặt hàng mà mình muốn kinh doanh.
- Xác định địa chỉ công ty: Địa chỉ công ty là nơi mà các cơ quan nhà nước sẽ liên hệ với bạn để thực hiện các thủ tục hành chính.
- Chọn người đại diện theo pháp luật: Người đại diện theo pháp luật là người có quyền đại diện cho công ty thực hiện các giao dịch dân sự và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động của công ty.
2.2. Bước 2: Cách thành lập công ty xuất nhập khẩu – Chuẩn bị hồ sơ đăng ký
Đây là quá trình quan trọng trong cách thành lập công ty xuất nhập khẩu. Điều này cho phép doanh nghiệp hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật. Hồ sơ thành lập bao gồm:
- Đơn đề nghị đăng ký kinh doanh cho công ty xuất nhập khẩu;
- Bản điều lệ công ty;
- Danh sách thành viên góp vốn (đối với công ty TNHH từ 2 thành viên trở lên) hoặc danh sách cổ đông sáng lập (đối với công ty cổ phần);
- Bản sao công chứng hộ chiếu/CMND/CCCD của người đại diện pháp luật, chủ sở hữu và các thành viên/cổ đông góp vốn;
- Bản sao công chứng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập nếu chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn là tổ chức;
- Văn bản ủy quyền cho người đại diện của thành viên hoặc chủ sở hữu là tổ chức, kèm bản sao công chứng hộ chiếu/CMND/CCCD của người được ủy quyền;
- Giấy ủy quyền cho người nộp hồ sơ (nếu người nộp hồ sơ không phải là đại diện pháp luật);
- Bản sao công chứng hộ chiếu/CMND/CCCD của người được ủy quyền nộp hồ sơ.
2.3. Bước 3: Nộp hồ sơ và nhận kết quả
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ bạn có thể thực hiện nộp theo 2 cách sau:
– Nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký Kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh/thành phố nơi công ty bạn đặt trụ sở.
– Nộp trực tuyến thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trình tự thực hiện nộp đơn giản qua các bước sau:
- Tạo một tài khoản trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Điền đầy đủ và chính xác các thông tin về công ty vào hệ thống.
- Upload các bản scan của các giấy tờ đã chuẩn bị trước đó.
- Sử dụng chữ ký số để xác nhận tính pháp lý của hồ sơ.
- Thực hiện thanh toán các loại phí theo quy định.
- Hệ thống sẽ cấp cho bạn một biên nhận điện tử xác nhận việc nộp hồ sơ.
Thời gian giải quyết:
- Hồ sơ hợp lệ: Nếu hồ sơ của bạn đầy đủ và đúng theo quy định, bạn sẽ nhận được Giấy phép kinh doanh trong vòng 3 ngày làm việc.
- Hồ sơ chưa hợp lệ: Trong trường hợp hồ sơ còn thiếu hoặc sai sót, cơ quan đăng ký sẽ thông báo để bạn bổ sung hoặc sửa chữa.
Xem thêm: Quy trình các bước về thủ tục đăng ký kinh doanh online
2.4. Bước 4: Công bố thông tin doanh nghiệp
Sau khi nhận được giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp có nghĩa vụ công bố thông tin về việc đăng ký trên Cổng thông tin điện tử quốc gia trong vòng 30 ngày. Nếu không thực hiện đúng quy định này, doanh nghiệp có thể bị phạt hành chính từ 1 triệu đồng – 2 triệu đồng.
2.5. Bước 5: Xin giấy phép xuất nhập khẩu
Việc sở hữu giấy phép kinh doanh chưa đủ để doanh nghiệp được phép hoạt động xuất nhập khẩu. Tùy thuộc vào loại hàng hóa, mặt hàng mà doanh nghiệp muốn xuất nhập khẩu, sẽ có những quy định và thủ tục xin giấy phép khác nhau.
Do đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các quy định hiện hành và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để xin cấp giấy phép xuất nhập khẩu. Việc có giấy phép xuất nhập khẩu hợp lệ sẽ đảm bảo rằng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa.