Bán hàng trên facebook có cần đăng ký kinh doanh?
Mục lục
Đi cùng với sự phát triển của công nghệ 4.0 mọi giao dịch được thực hiện trên môi trường mạng internet, tạo thuận lợi và tiết kiệm thời gian cho cả người bán và người mua. Vậy bán hàng trên facebook có cần đăng ký kinh doanh? Cùng chúng tôi giải đáp chi tiết trong nội dung bài viết dưới đây nhé.
1. Xu hướng bán hàng trên facebook hiện nay
Từ năm những năm 2010 trở về đây mạng xã hội nổi lên một trang thông tin Facebook với hàng triệu lượt tải mỗi ngày và đi cùng với nó là hàng loạt những tiện ích được nhà sáng lập Facebook tích hợp để nâng cao trải nghiệm người dùng. Và tiện ích mua bán hàng trên Facebook được coi là dịch vụ thu lại lợi nhuận lớn nhất cho Facebook.
Bởi nó dựa vào lượng truy cập hàng ngày của các cá nhân lên đến 10-15 giờ nên việc các mặt hàng chào bán trên Facebook tiếp cận đến rất nhiều người và rất nhiều đối tượng khác nhau. Vậy có phải đăng ký kinh doanh với trường hợp này không?
2. Bán hàng trên facebook có cần đăng ký kinh doanh?
Đi cùng với sự phát triển của không gian bán hàng trên Facebook là vấn đề pháp lý được đặt ra khi bán hàng trên facebook có cần đăng ký hay không?
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP quy định hoạt động thương mại độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh như sau:
“1. Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:
a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.”
Như vậy bán hàng trên Facebook là hoạt động thương mại một cách độc lập của một cá nhân đơn lẻ. Do đó không cần phải đăng ký kinh doanh.
3. Bán hàng trên facebook có cần phải đăng ký và nộp thuế không?
Về việc bán hành trên Facebook có phải đóng thuế không chúng tôi xin thông tin như sau:
Căn cứ Điều 2 Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy định:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là cá nhân cư trú có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật, bao gồm cả một số trường hợp sau:
a) Hành nghề độc lập trong những lĩnh vực, ngành nghề được cấp giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật;
b) Hoạt động đại lý bán đúng giá đối với đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, đại lý bán hàng đa cấp của cá nhân trực tiếp ký hợp đồng với doanh nghiệp xổ số, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp;
c) Hợp tác kinh doanh với tổ chức;
d) Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản không đáp ứng điều kiện được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế GTGT, thuế TNCN;
đ) Hoạt động thương mại điện tử, bao gồm cả trường hợp cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử.
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu trên lãnh thổ Việt Nam;
- Cá nhân cho thuê tài sản;
- Cá nhân chuyển nhượng tên miền internet quốc gia Việt Nam “.vn”;
- Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân;
- Tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân;
- Doanh nghiệp xổ số, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp trả thu nhập cho cá nhân trực tiếp ký hợp đồng đại lý bán đúng giá đối với xổ số, bảo hiểm, bán hàng đa cấp;
- Cơ quan thuế, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.”
Và căn cứ khoản 11 Điều 3 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định “Hoạt động thương mại điện tử” là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử và các văn bản hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có)”.
Do vậy kinh doanh trên Facebook là một dạng kinh doanh tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình hoạt động bằng kết nối internet nên đây là loại hình kinh doanh phải đóng thuế theo quy định pháp luật.
4. Những lưu ý khi bán hàng trên facebook cần ghi nhớ
Khi bán hàng trên Facebook cũng cần lưu ý một số vấn đề để không gặp vướng mắc pháp lý về sau cụ thể:
- Chỉ bán những mặt hàng pháp luật không cấm;
- Không sử dụng người dưới 18 tuổi để quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hoá;
- Không đưa các thông tin mê tín dị đoan, gây xung đột dân tộc, tôn giáo;
- Bán hàng phải có hóa đơn chứng từ hợp pháp;
- Không buôn bán hàng giả hàng nhái.
Việc bán hàng trên Facebook là một môi trường mở và nó tạo ra giá trị lớn cho xã hội và thuận tiện cho cả người bán và người mua. Nhưng khi tham gia sân chơi này mọi người cũng phải tuân thủ quy tắc chung để không vướng phải các vấn đề pháp lý về sau. Nếu bạn cần dịch vụ thành lập công ty trọn gói hãy liên hệ chúng tôi.