Điều kiện đối với hộ kinh doanh dịch vụ kế toán
Mục lục
Kế toán luôn là một phần không thể thiếu trong bất kỳ cơ quan hay tổ chức nào. Thông thường mỗi đơn vị sẽ xây dựng riêng một bộ phận kế toán để có thể tự phục vụ. Tuy nhiên trong một số trường hợp nhằm giảm bớt chi phí hay tính rủi ro mà các đơn vị này sẽ sử dụng các dịch vụ kế toán. Nhờ vậy mà các doanh nghiệp hay hộ kinh doanh dịch vụ kế toán có cơ hội phát triển. Nhưng để có thể cung cấp loại dịch vụ này thì các doanh nghiệp mà đặc biệt là hộ kinh doanh phải đáp ứng được những điều kiện nhất định.
Quy định chung về kinh doanh dịch vụ kế toán
Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật kế toán 2015 thì kế toán là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động. Những hoạt động này sẽ được điều chỉnh theo quy định pháp luật có liên quan cũng như quy định của chính đơn vị.
Đối với việc kinh doanh dịch vụ kế toán thì theo quy định tại khoản 13 Điều 3 Luật này là một hình thức cung cấp dịch vụ. Đó là những dịch vụ làm kế toán, làm kế toán trưởng, lập báo cáo tài chính, tư vấn kế toán và các công việc khác thuộc nội dung công tác kế toán theo quy định của Luật này cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Cơ sở kinh doanh mà cụ thể là doanh nghiệp hay hộ kinh doanh muốn cung cấp dịch vụ kế toán phải đáp ứng được các yêu cầu có liên quan.
Hộ kinh doanh dịch vụ kế toán cần điều kiện gì?
Pháp luật cho phép hộ kinh doanh được quyền hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ kế toán. Tuy nhiên muốn hoạt động thì hộ kinh doanh đó phải đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 65 Luật kế toán 2015. Những điều kiện đó bao gồm:
– Có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
– Cá nhân, đại diện nhóm cá nhân thành lập hộ kinh doanh phải là kế toán viên hành nghề.
Khác với doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán không cần có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.
Đăng ký thành lập hộ kinh doanh dịch vụ kế toán
Để đáp ứng được điều kiện về giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh thì chủ sở hữu cần thực hiện nộp hồ sơ đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ đăng ký hộ kinh doanh.
Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể bao gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh cá thể
– Bản sao chứng minh thư nhân dân của chủ sở hữu (nếu là một cá nhân thành lập hộ kinh doanh).
– Bản sao chứng minh thư nhân dân của nhóm cá nhân (nếu là một nhóm cá nhân cùng thành lập hộ kinh doanh).
– Biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh cá thể (nếu là một nhóm cá nhân cùng thành lập hộ kinh doanh).
– Bản sao Chứng chỉ hành nghề kế toán viên
Thời gian giải quyết: 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Hộ kinh doanh có thể nhận Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện hoặc đăng ký và trả phí để nhận qua đường bưu điện.
Các thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh có giá trị pháp lý kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và hộ kinh doanh có quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề phải có điều kiện.