Nên thành lập công ty cổ phần hay TNHH?
Mục lục
Hiện nay, thành lập doanh nghiệp ngày càng trở nên phổ biến với nhiều loại hình khác nhau. Tuy nhiên, trước khi thực hiện thủ tục này, nhiều cá nhân, tổ chức vẫn đang gặp khó khăn, không biết nên thành lập công ty cổ phần hay TNHH. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn làm rõ vấn đề đó để bạn có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất cho định hướng phát triển doanh nghiệp mình.
Nên thành lập công ty cổ phần hay TNHH?
Để thành lập công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn, trước tiên, các chủ thể cần nắm bắt được những đặc điểm pháp lý cơ bản và ưu, nhược điểm của hai loại hình doanh nghiệp này. Cụ thể như sau:
Công ty cổ phần
Để thành lập công ty cổ phần, những đặc điểm pháp lý cơ bản chủ doanh nghiệp cần nằm rõ bao gồm:
- Vốn điều lệ được chia thành các phần bằng nhau và gọi đó là cổ phần căn cứ theo Điều 112 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Cổ đông sẽ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.
- Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật Doanh nghiệp 2020.
- Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân, số lượng cổ đông tối thiểu trong công ty cổ phần là ba và không giới hạn số lượng tối đa.
- Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.
Theo đó, ưu và nhược điểm của loại hình doanh nghiệp này sẽ được chia thành những ý cụ thể như sau:
Ưu điểm
Cơ cấu vốn linh hoạt, tạo điều kiện cho nhiều người cùng góp vốn. Thông qua việc phát hành cổ phiếu, khả năng huy động vốn cao, việc chuyển nhượng cũng tương đối dễ dàng.
Nhược điểm
Quản lý và điều hành CTCP rất phức tạp do số lượng thành viên đông, ít có sự liên kết. Đồng thời, việc thành lập cũng tương đối khó khăn do bị ràng buộc bởi nhiều quy định của pháp luật.
Công ty trách nhiệm hữu hạn
Doanh nghiệp có thể thành lập công ty TNHH theo hai loại là công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH hai thành viên trở lên. Về cơ bản, hai loại hình này có đặc điểm pháp lý tương đối giống nhau. Cụ thể được quy định lần lượt tại Điều 46, 47 và 74, 75 Luật Doanh nghiệp 2020. Tuy nhiên, công ty TNHH hai thành viên trở lên có những điểm khác biệt sau:
- Số lượng thành viên trong công ty từ 2 đến 50 thành viên.
- Vốn điều lệ là tổng giá trị phần vốn góp của các thành viên cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty
- Thành viên chịu trách nhiệm về khoản nợ trong phạm vi số vốn đã góp.
Đối với mỗi loại hình công ty TNHH, sẽ có ưu nhược điểm khác nhau như sau:
Công ty TNHH một thành viên
Ưu điểm của thành lập công ty TNHH 1 thành viên là có một chủ sở hữu nên chủ công ty có thể quyết định mọi vấn đề. Nhược điểm của loại hình doanh nghiệp cũng bởi do việc hình thành từ một chủ, cho nên việc góp vốn bị hạn chế.
Công ty TNHH hai thành viên trở lên
Ưu điểm là các thành viên chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ cũng như nghĩa vụ tài sản trong phạm vi số vốn đã góp. Số lượng thành viên bị hạn chế nên việc quản lý cũng dễ dàng. Tuy nhiên, nhược điểm của loại hình công ty này số lượng thành viên sẽ không nhiều, đồng thời cũng không được phát hành cổ phiếu để huy động vốn.
Tóm lại, việc lựa chọn công ty cổ phần hay TNHH phụ thuộc vào mục tiêu của mỗi người.
Có mấy cách thức nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp?
Như đã phân tích về đặc điểm pháp lý cũng như ưu, nhược điểm của hai loại hình doanh nghiệp công ty cổ phần và TNHH, các cá nhân, tổ chức có thể thực hiện thủ tục theo quy định pháp luật. Theo đó, các cách để tiến hành nộp hồ sơ gồm có:
- Nộp trực tiếp tại Bộ phận một cửa của Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
- Nộp trực tuyến thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.