Loại doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân
Mục lục
Tư cách pháp nhân là gì? Loại hình doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân bao gồm những gì? Loại hình này có những ưu và nhược điểm gì? Cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay.
1. Tư cách pháp nhân là gì?
Theo khoản 1 Điều 74 Bộ luật dân sự 2015, một tổ chức được coi là có tư cách pháp nhân khi đáp ứng đủ 04 điều kiện sau đây:
1. Tổ chức phải được thành lập theo quy định của luật.
Theo khoản 1 Điều 82 Bộ luật Dân sự 2015, pháp nhân được thành lập theo sáng kiến của cá nhân, pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ: Doanh nghiệp được thành lập theo quyết định của Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh.
2. Tổ chức phải có cơ cấu tổ chức theo quy định.
Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.
3. Tổ chức có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.
4. Tổ chức phải nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Nếu tổ chức không đáp ứng được bất kỳ 01 trong 04 tiêu chí như trên thì không được coi là tư cách pháp nhân.
2. Loại hình doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân
Theo Luật Doanh nghiệp, hiện nay có 05 loại hình doanh nghiệp bao gồm:
– Công ty TNHH 2 thành viên trở lên;
– Công ty TNHH 1 thành viên;
– Công ty cổ phần;
– Công ty hợp danh;
– Doanh nghiệp tư nhân.
Đối chiếu với những quy định trên thì loại hình doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân chính là doanh nghiệp tư nhân.
Đối với các loại hình công ty như công ty TNHH 1 thành viên, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty cổ phần thì đã đáp ứng đầy đủ những điều kiện là một tổ chức có tư cách pháp nhân, Tuy nhiên đối với công ty hợp danh, các thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn bằng tài sản của mình đối với các khaonr nợ của công ty. Vậy tại sao công ty hợp danh lại có tư cách pháp nhân? Cùng chúng tôi phân tích như sau:
2.1. Công ty hợp danh
Theo khoản 1 Điều 177 Luật Doanh nghiệp thì khi đăng ký doanh nghiệp là công ty hợp danh cần có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn, trong đó:
– Thành viên hợp danh là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
– Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
Khi công ty hợp danh đang hoạt động bình thường, có khả năng tự chịu mọi trách nhiệm bằng tài sản của công ty thì nghĩa vụ của công ty hoàn toàn không liên quan đến tài sản của các thành viên hợp danh. Chỉ trong trường hợp tài sản của công ty không đủ để chịu trách nhiệm thì tài sản của các thành viên hợp danh mới được sử dụng đến. Do đó, công ty hợp danh vẫn có tài sản độc lập với thành viên hợp danh của công ty đó.
Đối với các thành viên góp vốn, tài sản của họ cũng hoàn toàn độc lập so với tài sản của công ty. Họ chỉ chịu trách nhiệm trong phần vốn góp đã cam kết của mình đối với các khoản nợ của công ty mà thôi. Trách nhiệm của họ trong trường hợp này là hữu hạn.
2.2. Công ty tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân theo quy định tại Điều 188 Luật doanh nghiệp 2020 như sau:
“1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.”
Từ quy định trên, có thể thấy rằng tài sản của doanh nghiệp tư nhân không có tính độc lập với cá nhân chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân; Chủ doanh nghiệp tư nhân tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp chứ không phải doanh nghiệp tư nhân.
Ngoài ra, trong quan hệ tố tụng tại Tòa án và Trọng tài. Doanh nghiệp tư nhân không được độc lập nhân danh mình để tham gia. Cụ thể, khoản 3 Điều 190 Luật doanh nghiệp 2020 quy định: “Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”