Mẫu giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Mục lục
Mẫu giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm bởi nó là sự công nhận của nhà nước đối với một tổ chức được thành lập một cách hợp pháp. Bài viết hôm nay cùng chúng tôi tìm hiểu mẫu giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
1. Mẫu giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được cấp cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật doanh nghiệp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản hoặc bản điện tử mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp ghi lại những thông tin về thành lập công ty.
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là giấy chứng nhận của cơ quan hành chính công Nhà nước, ghi nhận một số thông tin cơ bản nhất của doanh nghiệp và là cơ sở xác định nghĩa vụ bảo hộ quyền sở hữu tên doanh nghiệp của Nhà nước.
Điều 34 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định: Các thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có giá trị pháp lý kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Trường hợp doanh nghiệp đăng ký ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh sau ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp được quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày doanh nghiệp đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Đặc điểm của Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh:
- Là văn bản chứng minh sự thành lập và tồn tại hợp pháp của doanh nghiệp, ghi nhận năng lực pháp lý của doanh nghiệp đó;
- Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Đây là văn bản đầu tiên và không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp ở bất kỳ loại hình nào. Khác với giấy phép kinh doanh, giấy phép kinh doanh là văn bản do cơ quan nhà nước cấp khi doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo quy định.
2. Nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Tại Điều 28 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định:
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp;
2. Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
3. Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; đối với thành viên hợp danh của công ty hợp danh; đối với chủ doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân. Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;
4.Vốn điều lệ đối với công ty, vốn đầu tư đối với doanh nghiệp tư nhân.
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thể hiện một số nội dung quy định tại Điều 28 Luật doanh nghiệp, bao gồm:
- Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp;
- Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
- Vốn điều lệ;
- Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn.
Các thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có giá trị pháp lý kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
3. Thời hạn của giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có thời hạn bao lâu sẽ tùy thuộc vào ngành nghề doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.
- Nếu doanh nghiệp xin giấy phép kinh doanh của ngành nghề không yêu cầu điều kiện thì không cần lo lắng về thời hạn của giấy phép kinh doanh;
- Nếu doanh nghiệp xin giấy phép kinh doanh cho ngành nghề yêu cầu điều kiện thì đôi khi giấy phép kinh doanh sẽ có thời hạn cụ thể.
Vì vậy, nếu bạn đăng ký kinh doanh những ngành nghề không thuộc nhóm ngành nghề có điều kiện thì pháp luật không quy định thời hạn là bao lâu, nghĩa là bạn có thể tiếp tục kinh doanh cho đến khi giải thể doanh nghiệp hoặc có những thay đổi cần đăng ký thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chủ thể kinh doanh phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể trong thực tế mới có thể tiến hành kinh doanh. Danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV Luật Đầu tư năm 2020 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, bao gồm 227 ngành nghề kinh doanh có điều kiện (trước đây là 243 ngành nghề theo quy định của Luật Đầu tư 2014). Mỗi ngành nghề có mỗi điều kiện riêng vì vậy thời hạn giấy phép kinh doanh cũng có sự khác biệt.
Trong một số trường hợp doanh nghiệp cần phải chú ý đến giấy phép con như giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy cam kết bảo vệ môi trường… mỗi loại giấy cũng có thời hạn 3-5 năm.