Giấy chứng nhận thành lập công ty
Mục lục
Thành lập doanh nghiệp, đăng ký góp vốn, thay đổi loại hình kinh doanh là những thủ tục liên quan đến Giấy chứng nhận thành lập công ty. Vì vậy, để giúp mọi người hiểu rõ hơn, chúng tôi sẽ tư vấn cho mọi người biết giấy chứng nhận thành lập công ty là gì và một số lưu ý quan trọng.
1. Giấy chứng nhận thành lập công ty
Theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật doanh nghiệp, Giấy chứng nhận thành lập công ty hay còn gọi là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản hoặc bản điện tử mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp.
Có thể thấy, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là giấy chứng nhận của cơ quan hành chính công Nhà nước, ghi nhận một số thông tin cơ bản nhất của doanh nghiệp và là cơ sở xác định nghĩa vụ bảo hộ quyền sở hữu tên doanh nghiệp của Nhà nước.
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được xem là giấy khai sinh của doanh nghiệp. Về mặt pháp lý, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là chứng nhận của cơ quan hành chính Nhà nước về việc công nhận và bảo hộ quyền sở hữu doanh nghiệp.
Điều 34 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định: Các thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có giá trị pháp lý kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Trường hợp doanh nghiệp đăng ký ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh sau ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp được quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày doanh nghiệp đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
2. Nội dung giấy chứng nhận thành lập công ty sẽ bao gồm những gì?
Nội dung chính của giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh:
- Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện;
- Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
- Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên hoặc cổ đông sáng lập là cá nhân; số quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh của chủ sở hữu công ty, của thành viên hoặc cổ đông sáng lập là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; họ, tên, địa chỉ thường trú, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của chủ sở hữu công ty là cá nhân hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân;
- Vốn điều lệ đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; số cổ phần và giá trị vốn cổ phần đã góp và số cổ phần được quyền chào bán đối với công ty cổ phần; vốn đầu tư ban đầu đối với doanh nghiệp tư nhân; vốn pháp định đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề đòi hỏi phải có vốn pháp định;
- Ngành, nghề kinh doanh.
3. Đặc điểm của Giấy chứng nhận thành lập công ty
Dựa trên khái niệm cũng như các quy định của pháp luật liên quan, có thể rút ra một vài đặc điểm của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như sau:
3.1. Về cơ quan có thẩm quyền cấp phép
Đây là loại giấy phép do cơ quan hành chính công của Nhà nước cấp phép.
Cơ quan đăng ký kinh doanh được quy định tại Điều 13 Nghị định 78/2015/NĐ-CP là Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (sau đây gọi chung là Phòng Đăng ký kinh doanh).
3.2. Về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật doanh nghiệp sau đây:
- Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
- Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định;
- Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;
- Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định pháp luật về phí và lệ phí.