Đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh
Mục lục
Trong quá trình thành lập doanh nghiệp, nhà đầu tư không dự trù hết những ngành nghề mà công ty mình có thể hoặt động. Dẫn đến việc phải đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh. Bài viết hôm nay chúng tôi sẽ cập nhật đến các bạn những quy định pháp lý xung quanh việc đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh.
1. Đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh là gì?
Hiện nay, cá nhân, tổ chức có quyền tự do kinh doanh trong tất cả các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải bảo đảm việc đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động.
Hiện nay có 227 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, danh mục này áp dụng đối với cả nhà đầu tư nước ngoài, và được đăng tải trên Cổng thông tin Đăng ký doanh nghiệp quốc gia.
Đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh là thủ tục được doanh nghiệp thực hiện tại Sở kế hoạch đầu tư khi doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh qua việc bổ sung thêm một hoặc nhiều ngành nghề kinh doanh chưa có vào giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, sau khi thủ tục hoàn tất sở kế hoạch đầu tư sẽ cấp giấy xác nhận đăng ký ngành nghề đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp.
2. Thủ tục đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh
Trong trường hợp doanh nghiệp bổ sung ngành nghề kinh doanh không có điều kiện thì tiến hành bình thường: Tra cứu theo mã ngành nghề 4 số và cung cấp thông tin đăng ký bổ sung vào hồ sơ bổ sung ngành nghề kinh doanh.
Trong trường hợp doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì thủ tục sẽ được tiến hành khi doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ điều kiện về mức vốn pháp định hoặc đáp ứng đủ điều kiện về chứng chỉ hành nghề.
- Đối với ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định: Doanh nghiệp phải đăng ký vốn điều lệ công ty bằng vốn pháp định. Hoặc lớn hơn vốn pháp định cho lĩnh vực hoạt động có trong đăng ký kinh doanh;
- Đối với ngành nghề kinh doanh yêu cầu chứng chỉ hành nghề: Doanh nghiệp phải đảm bảo trong quá trình hoạt động có đủ chứng chỉ hành nghề.
Hồ sơ chuẩn bị để bổ sung ngành nghề kinh doanh:
Trước tiên, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn mã ngành nghề muốn thêm. Hồ sơ bổ sung, thay đổi ngành nghề kinh doanh gồm:
- 01 Thông báo thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh theo mẫu quy định (01 bản);
- 01 Quyết định và bản sao biên bản họp Đại hội đồng cổ đông nêu rõ nội dung thay đổi trong Điều lệ công ty;
- 01 Bản sao các tài liệu: Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký thuế, Giấy bổ sung cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp;
- 01 Giấy ủy quyền (Nếu cá nhân, tổ chức nếu ủy quyền cho một tổ chức thực hiện).
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đúng theo quy định thì doanh nghiệp tiến hành nộp trực tuyến trên cổng thông tin Quốc gia để được thẩm định.
3. Những điểm cần lưu ý khi đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh
Thủ tục đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh không phải là thủ tục pháp lý phức tạp. Tuy nhiên để thực hiện thành công ngay lần đầu tiên, doanh nghiệp cần ghi nhớ các lưu ý sau:
- Doanh nghiệp cần kiểm tra ngành nghề định bổ sung có thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện không, nếu có thì điều kiện như thế nào;
- Doanh nghiệp phải thực hiện mã hóa ngành nghề kinh doanh cần bổ sung về ngành nghề kinh doanh cấp 4 quy định tại hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam;
- Nếu ngành nghề bổ sung yêu cầu vốn pháp định, khi thay đổi bổ sung ngành nghề doanh nghiệp cần điều chỉnh vốn của doanh nghiệp để đáp ứng điều kiện về vốn điều lệ;
- Nếu ngành nghề đăng ký kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp cần phải xin giấy phép đủ điều kiện kinh doanh trước khi hoạt động kinh doanh;
- Đối với ngành nghề kinh doanh yêu cầu chứng chỉ hành nghề thì doanh nghiệp phải đảm bảo trong quá trình hoạt động có đủ chứng chỉ hành nghề (nếu không là thành viên công ty nộp kèm Hợp đồng lao động và quyết định bổ nhiệm chức danh tương ứng).