Thành lập doanh nghiệp tư nhân
Mục lục
Doanh nghiệp tư nhân ngày càng bộc lộ nhiều ưu điểm so với hộ kinh doanh và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Vì vậy ở phân khúc doanh nghiệp nguồn vốn nhỏ nhưng vẫn có được sự chuyên nghiệp thì thành lập doanh nghiệp tư nhân là ưu tiên hàng đầu. Bài viết hôm nay chúng tôi cập nhật đến các bạn các bước thành lập doanh nghiệp tư nhân.
1. Những lưu ý để việc thành lập công ty tư nhân được thành công
a. Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:
- Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm;
- Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp;
- Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;
- Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
b. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử được chấp thuận khi có đầy đủ các yêu cầu sau:
- Hồ sơ đầy đủ và được kê khai theo quy định như hồ sơ bằng bản giấy và được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử. Tên văn bản điện tử phải được đặt tương ứng với tên loại giấy tờ trong hồ sơ bằng bản giấy;
- Người có thẩm quyền ký văn bản trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có thể sử dụng chữ ký số để ký trực tiếp trên văn bản điện tử hoặc ký trực tiếp trên văn bản giấy và quét (scan) văn bản giấy theo các định dạng quy định tại khoản 2 Điều 43 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP;
- Các thông tin đăng ký doanh nghiệp được kê khai trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp có bao gồm thông tin về số điện thoại, thư điện tử của người nộp hồ sơ.
2. Chuẩn bị hồ sơ
Thành phần hồ sơ, bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp 1 bản chính;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân 1 bản sao.
Số lượng hồ sơ: 1 bộ.
Cơ quan thực hiện: Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh nơi công ty đặt trụ sở chính.
3. Nộp hồ sơ
Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo phương thức sau đây:
- Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh;
- Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;
- Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (https://dangkykinhdoanh.gov.vn).
Trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp phải có văn bản ủy quyền có chữ ký của bên ủy quyền và bên được ủy quyền, văn bản này không bắt buộc phải công chứng.
Trường hợp ủy quyền cho tổ chức thực hiện thì phải đính kèm hợp đồng cung cấp dịch vụ của tổ chức cung cấp dịch vụ và giấy tờ cá nhân đối với người được giới thiệu.
Trường hợp ủy quyền cho nhân viên bưu chính thì phải có chữ ký xác nhận của nhân viên bưu chính và văn bản đề nghị của doanh nghiệp.
4. Nhận kết quả
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
Phải nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật để nhận giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp.