Các trường hợp giải thể doanh nghiệp theo Luật hiện hành
Mục lục
Giải thể doanh nghiệp là một thủ tục pháp lý nhằm chấm dứt sự tồn tại, chấm dứt hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Giải thể doanh nghiệp đồng thời làm chấm dứt mọi mối quan hệ phát sinh với một bên chủ thể là doanh nghiệp. Có 2 hình thức giải thể doanh nghiệp là doanh nghiệp tự giải thể và bắt buộc giải thể theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Các trường hợp giải thể doanh nghiệp theo Luật hiện hành
Các trường hợp giải thể doanh nghiệp được quy định như sau:
Doanh nghiệp tự giải thể
Doanh nghiệp có quyền tự giải thể bằng 2 trường hợp sau:
✜ Trường hợp 1: Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn
Khi thành lập công ty, các thành viên trong công ty đều hướng đến mục tiêu nhất định và hoạch định một thời hạn nhất định để hoàn thành mục tiêu đó. Thời hạn đó được ghi trong Điều lệ công ty. Việc quy định thời hạn hoạt động của doanh nghiệp có thể do thỏa thuận của các thành viên, cổ đông sáng lập, hoặc do sự cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Hết thời hạn hoạt động ghi trong quyết định thành lập mà các thành viên không xin gia hạn hoặc có xin gia hạn nhưng bị cơ quan có thẩm quyền từ chối thì công ty sẽ phải giải thể.
✜ Trường hợp 2: Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần
Giải thể doanh nghiệp bắt buộc
Bắt buộc phải giải thể doanh nghiệp nếu doanh nghiệp rơi vào các trường hợp sau đây:
✜ Trường hợp 1: Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
✜ Trường hợp 2: Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.
Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.
Các hoạt động bị cấm kể từ khi có quyết định giải thể doanh nghiệp
Bởi vì hoạt động giải thể của doanh nghiệp sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động, đối tác, chủ nợ,… của doanh nghiệp, nên khi có quyết định giải thể doanh nghiệp, cơ quan nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo cho quyền và lợi ích của các chủ thể có liên quan. Một trong những điều minh thị rõ ràng nhất, đó là tại Điều 211 Luật Doanh nghiệp 2020, pháp luật đã quy định các hoạt động bị cấm kể từ khi có quyết định giải thể bao gồm:
- Cất giấu, tẩu tán tài sản;
- Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;
- Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp;
- Ký kết hợp đồng mới trừ trường hợp để thực hiện giải thể doanh nghiệp;
- Cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản;
- Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực;
- Huy động vốn dưới mọi hình thức.