Ưu, nhược điểm khi thành hộ kinh doanh cá thể
Mục lục
Hộ kinh doanh cá thể là hình thức kinh doanh với quy mô nhỏ, được tổ chức đơn giản và rất phổ biến ở Việt Nam. Qua bài viết dưới đây, Phan Law Vietnam sẽ đề cập đến ưu, nhược điểm của hộ kinh doanh cá thể. Mời bạn tham khảo nhé!
1. Hộ kinh doanh cá thể là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh về hộ kinh doanh cá thể như sau:
Hộ kinh doanh được thành lập bởi một cá nhân hoặc các thành viên trong hộ, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình để phục vụ hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên trong hộ đăng ký hộ kinh doanh thì một thành viên được ủy quyền làm đại diện doanh nghiệp. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên trong hộ ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
Các trường hợp sản xuất, kinh doanh sau đây không phải đăng ký hộ kinh doanh cá thể:
- Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối;
- Người bán hàng rong, đồ ăn vặt, đi công tác, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, kinh doanh dịch vụ thu nhập thấp không phải đăng ký là hộ kinh doanh, trừ trường hợp đầu tư kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng tại địa phương.
2. Ưu, nhược điểm khi thành lập hộ kinh doanh cá thể
2.1. Ưu điểm
- Thủ tục thành lập khá đơn giản, tránh được các thủ tục rườm rà, phức tạp;
- Không cần khai thuế hàng tháng;
- Chế độ chứng từ kế toán đơn giản;
- Quy mô nhỏ gọn, phù hợp với cá nhân và doanh nghiệp nhỏ;
- Áp dụng chế độ thuế đồng đều.
2.2. Nhược điểm
- Chỉ cho phép sử dụng tối đa 9 lao động, công nhân. Nếu hộ kinh doanh cá thể thường xuyên sử dụng từ 10 lao động trở lên nhưng không thành lập doanh nghiệp và vẫn duy trì mô hình Hộ kinh doanh thì sẽ bị phạt tới 5.000.000 đồng và bị phạt bổ sung là buộc phải thành lập doanh nghiệp – theo quy định tại Nghị định 122/2021/NĐ-CP;
- Chỉ được phép đăng ký kinh doanh tại một địa điểm và không được mở thêm chi nhánh, địa điểm kinh doanh tại địa chỉ khác;
- Không có tư cách pháp nhân, không có con dấu;
- Chịu trách nhiệm về toàn bộ tài sản của chủ hộ kinh doanh cá nhân trong hoạt động kinh doanh;
- Hộ kinh doanh không được kê khai, tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ nên không được hoàn thuế và không xuất được hóa đơn Giá trị gia tăng (hóa đơn VAT);
- Bản chất hoạt động của hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ có thể là nguyên nhân khiến nó chưa tạo được niềm tin cho khách hàng trong giai đoạn đầu hợp tác.
Như vậy, tùy vào ngành, nghề và mô hình kinh doanh mà chủ doanh nghiệp có thể lựa chọn đăng ký hộ kinh doanh cá thể hoặc các mô hình khác. Mong rằng qua phân tích ưu, nhược điểm trên đây sẽ giúp chủ doanh nghiệp tìm chọn được mô hình kinh doanh phù hợp.
Xem thêm: Quy định mức thuế môn bài hộ kinh doanh cá thể phải nộp
3. Những điều cần biết trước khi đăng ký hộ kinh doanh cá thể
So với các loại hình doanh nghiệp khác như công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh thì thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh của hộ kinh doanh cá thể đơn giản hơn rất nhiều. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý những điều sau:
3.1. Trách nhiệm pháp lý của hộ kinh doanh cá thể
Hộ kinh doanh, cá nhân thành lập hộ kinh doanh tự kê khai hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin trong hồ sơ đăng ký.
Hộ kinh doanh cá thể phải chịu trách nhiệm về toàn bộ tài sản của mình để phục vụ hoạt động kinh doanh.
3.2. Địa điểm đăng ký kinh doanh
Địa điểm đăng ký kinh doanh khi đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể. Theo quy định, hộ kinh doanh cá thể chỉ có một địa điểm kinh doanh trong nước và không được thành lập địa điểm kinh doanh, chi nhánh, văn phòng đại diện như công ty. Nếu bạn thuê địa điểm kinh doanh thì cần phải xác minh xem địa chỉ này đã từng được sử dụng để thành lập doanh nghiệp hay chưa.
Địa điểm đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể cũng không phải là chung cư, khu quy hoạch nhà nước.
3.3. Đối tượng đăng ký là hộ kinh doanh
Đối tượng đăng ký là hộ kinh doanh cá thể có thể là cá nhân, nhóm cá nhân hoặc hộ gia đình.
Cụ thể, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự, năng lực pháp luật được quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận hộ kinh doanh. Hoặc nhóm bạn bè, gia đình cũng có thể đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể để cùng nhau kinh doanh. Và người có tên trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là đại diện cho tất cả những người tham gia khác.
3.4. Cách đặt tên hộ kinh doanh cá thể
Cũng giống như thành lập công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể cũng bắt buộc phải có tên riêng và có hai yếu tố: hộ kinh doanh + tên riêng.
Ngoài ra, khi đặt tên hộ kinh doanh, bạn cũng cần lưu ý những điều sau:
- Không sử dụng các thuật ngữ gây nhầm lẫn với các loại hình doanh nghiệp hiện nay;
- Tên hộ kinh doanh không được trùng với tên các hộ kinh doanh đã thành lập khác (cùng huyện);
- Không sử dụng tiếng Anh để đặt tên cho hộ kinh doanh cá thể.