Tổng hợp những điều cần lưu ý khi đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh
Mục lục
Đăng ký kinh doanh cá thể bắt buộc cần phải hoàn thiện mọi hồ sơ, thủ tục và được pháp luật công nhận. Nếu muốn thực hiện kinh doanh theo mô hình hộ kinh doanh cá thể thì chủ doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề qua bài viết dưới đây.
1. Hộ kinh doanh là gì?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 79 thuộc NĐ 01/2021/NĐ-CP, hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập, và hịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản đối với hoạt động kinh doanh. Trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh, thì phải ủy quyền cho một thành viên làm đại diện. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
Hộ kinh doanh là một tổ chức do cá nhân hoặc nhóm người thuộc công dân Việt Nam đủ tuổi đăng ký theo quy định và có khả năng chịu trách nhiệm hành vi dân sự. Hộ kinh doanh chỉ được đăng ký dưới quy mô 10 người, đồng thời chịu trách nhiệm bằng chính tài sản của mình. Việc đăng ký kinh doanh từ 10 lao động trở nên sẽ phải thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Đối với trường hợp sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp, bán hàng rong, làm muối, quà ăn vặt, kinh doanh lưu động, thời vụ thì không cần đăng ký hộ kinh doanh.
Xem thêm: Đăng ký kinh doanh là gì? Một số câu hỏi thường gặp khi đăng ký kinh doanh
2. Đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh cần lưu ý điều gì?
2.1. Đặt tên cho hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh sẽ có tên gọi riêng và gồm hai thành tố chính sau đây:
- Loại hình “Hộ kinh doanh”;
- Tên riêng của hộ kinh doanh. Tên riêng khi đăng ký hộ kinh doanh cần được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, có thể kèm theo số và ký hiệu.
Ngoài ra, tên hộ kinh doanh không sử dụng từ ngữ, biểu tượng vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, tốt đẹp của dân tộc. Khi đặt tên hộ kinh doanh không được dùng từ “công ty”, “doanh nghiệp”. Ngoài ra, tên riêng của hộ kinh doanh không được trùng với tên hộ kinh doanh đăng ký trên địa bàn cấp huyện.
Ví dụ: Hộ kinh doanh Trần Văn A; Hộ kinh doanh chế biến thực phẩm Nguyễn Văn B,…
2.2. Đặc điểm kinh doanh của hộ kinh doanh cá thể
Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh là nơi thực hiện hoạt động kinh doanh. Hộ kinh doanh có thể kinh doanh ở nhiều địa điểm nhưng phải lựa chọn địa điểm để đăng ký trụ sở chính và phải thông báo với cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi đặt trụ sở.
Trong trường hợp địa chỉ kinh doanh là thuê, mượn thì cần xác định rõ từ trước đến nay đã có người sử dụng địa chỉ này để kinh doanh hay chưa. Nếu có thì hộ kinh doanh đó đã giải thể hay chưa. Trường hợp hộ kinh doanh cũ chưa giải thể thì cần liên hệ với chủ nhà để đến UBND quận/ huyện yêu cầu giải thể hộ kinh doanh cũ với lý do họ đã không còn hoạt động tại địa chỉ này.
Ngoài ra, khi thành lập hộ kinh doanh cá thể để làm một số ngành nghề đặc biệt sẽ có thêm yêu cầu như sau:
- Ngành spa (làm nail, cắt tóc, gội đầu, trang điểm, massage): Cần có chỗ để xe;
- Ngành bán buôn thực phẩm, đồ uống: Bắt buộc phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm mới được hoạt động (kể cả khi đã được cấp giấy phép kinh doanh).
- Ngành sản xuất thực phẩm: Bắt buộc phải làm thủ tục công bố thực phẩm;
- Ngành dạy yoga và gym: Yêu cầu chứng chỉ liên quan…
2.3. Vốn điều lệ của hộ kinh doanh cá thể
Hiện nay, pháp luật doanh nghiệp không quy định mức vốn tối đa hoặc tối thiểu khi thành lập hộ kinh doanh. Vì vậy, số vốn điều lệ đăng ký sẽ tùy thuộc vào khả năng của mỗi hộ kinh doanh. Tuy nhiên, khi lựa chọn mức vốn điều lệ cần lưu ý trách nhiệm về mức độ rủi ro của hộ kinh doanh là vô hạn (người thành lập hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm về toàn bộ tài sản của hộ kinh doanh).
Ngoài ra, cơ quan quản lý sẽ căn cứ vào các điều kiện sau để áp dụng mức thuế suất cố định hàng tháng đối với hộ kinh doanh cá thể, đó là:
- Vốn điều lệ cao hay thấp;
- Địa điểm hoạt động nằm ở khu vực sầm uất, có mặt tiền, có vị trí đắc địa hoặc nằm sâu trong ngõ;
- Sản phẩm của hộ kinh doanh cá thể có bán chạy không?…