Thủ tục xin cấp giấy phép hộ kinh doanh cá thể
Mục lục
Kinh doanh hộ cá thể hiện cũng đang là một loại hình được khá nhiều gia đình lựa chọn khi tiến hành đầu tư, kinh doanh. Một số ưu điểm trong đó phải kể đến như thủ tục thành lập đơn giản, có thể đóng thuế khoán hằng năm, không phải thực hiện việc khai thuế hằng tháng như doanh nghiệp,… Tuy nhiên, trước khi được hợp pháp hóa trên thị trường, cần phải có giấy phép hộ kinh doanh cá thể. Vậy thủ tục xin cấp loại giấy tờ này sẽ thế nào?
Điều kiện để được cấp giấy phép hộ kinh doanh cá thể
Để được cấp giấy phép hộ kinh doanh, người có yêu cầu cần phải đáp ứng được điều kiện thành lập hộ kinh doanh. Theo khoản 1 Điều 82 Nghị định 01/2021 /NĐ – CP, điều kiện này được quy định cụ thể như sau:
- Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh.
- Tên của hộ kinh doanh được đặt theo đúng quy định tại Điều 88 Nghị định này. Theo đó, tên hộ kinh doanh cũng tương tự như cách thức đặt tên của doanh nghiệp, bao gồm hai thành tố “Hộ kinh doanh” + “Tên riêng” của hộ kinh doanh. Tên riêng phải được viết trong bảng chữ cái Tiếng Việt. Ngoài ra, không được đặt những tên cấm, gây ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, giá trị đạo đức, lịch sử, tránh các tên trùng lặp,…
- Có hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh hợp lệ.
- Nộp đủ lệ phí đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.
Bên cạnh đó, để được cấp giấy phép hộ kinh doanh cá thể, cần phải đáp ứng thêm các tiêu chí riêng biệt như:
- Một cá nhân hoặc một gia đình chỉ được phép thực hiện việc đăng ký một hộ gia đình.
- Một địa điểm chỉ được phép đăng ký 1 hộ kinh doanh cá thể.
- Một hộ kinh doanh cá thể chỉ được sử dụng tối đa 10 lao động. Trong trường hợp vượt quá số lượng lao động như đã quy định phải thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2020.
- Hộ kinh doanh cá thể không được đăng ký đơn vị phụ thuộc như công ty cũng như mở thêm các địa điểm hoạt động.
- Hộ kinh doanh cá thể chỉ được xuất hóa đơn trực tiếp không có VAT và phải mua tại cục thuế quận, huyện.
Xem thêm: Đăng ký kinh doanh hộ gia đình
Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể bao gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 82 Nghị định 01/2021/NĐ – CP, hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể cũng là một trong những điều kiện cần thiết để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Theo đó, hồ sơ sẽ bao gồm những tài liệu như sau:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh.
- Giấy tờ pháp lý như Căn cước công dân/ Chứng minh nhân dân/ Hộ chiếu của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh. Ngoài ra còn cần thêm các giấy tờ chứng thực cá nhân của các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh cá thể.
- Bản sao biên bản họp thành viên về việc thành lập hộ kinh doanh.
- Bản sao văn bản uỷ quyền đối với trường hợp thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh.
- Văn bản uỷ quyền kèm giấy tờ pháp lý cá nhân đối với người nhận uỷ quyền thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh.
Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh
Để thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cá thể, người có yêu cầu sẽ tiến hành theo các bước như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Trước tiên khi thực hiện thủ tục này, người có yêu cầu sẽ phải chuẩn bị và nộp bộ hồ sơ như đã nêu trên tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh. Chi tiết hơn đó chính là Bộ phận một cửa thuộc UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở kinh doanh.
Bước 2: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ
Sau khi nhận được hồ sơ từ người yêu cầu, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cá thể với trường hợp hồ sơ hợp lệ. Thời gian sẽ diễn ra trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
Tuy nhiên, nếu hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ phải thông báo đến người nộp hồ sơ hoặc người thành lập hồ sơ bằng văn bản. Việc thông báo này nêu rõ và các yêu cầu cần phải sửa đổi, bổ sung trong hồ sơ.
Trong trường hợp sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, người yêu cầu hoặc chủ hộ đăng ký hộ kinh doanh không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hoặc không có bất kỳ thông báo nào thì sẽ có quyền khiếu nại, tố cáo. Quy trình khiếu nại, tố cáo sẽ tuân thủ theo trình tự và thủ tục của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Bước 3: Gửi danh sách hộ kinh doanh
Thông thường, định kỳ vào tuần làm việc đầu tiên của tháng, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký tháng trước đến một số cơ quan chuyên ngành khác.
Cụ thể đó là Cơ quan thuế cùng cấp, Phòng đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý chuyên ngành cấp tỉnh. Điều này nhằm mục đích phối hợp, hỗ trợ với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong vấn đề quản lý hộ kinh doanh sau khi mới được thành lập.