Thủ tục thành lập công ty hợp danh
Mục lục
Công ty hợp danh là loại hình doanh nghiệp mang nhiều đặc điểm khác biệt so với các loại hình khác như doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH hay công ty cổ phần. Vì vậy công ty hợp danh cũng là một lựa chọn cho các nhà đầu tư khi tìm kiếm một loại hình doanh nghiệp. Bài viết hôm nay chúng tôi tập trung làm rõ thủ tục thành lập công ty hợp danh.
1. Công ty hợp danh là gì?
Quy định về công ty hợp danh theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 có những điểm đặc thù không hoàn toàn giống với luật các nước. Cụ thể, công ty hợp danh được định nghĩa là doanh nghiệp, trong đó:
– Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên (gọi là thành viên hợp danh);
– Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn; Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty; Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty;
– Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
– Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
Trên thực tế, công ty này được thành lập dựa trên niềm tin là rất nhiều, bởi vì về bản chất mức độ chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân giống như công ty tư nhân nhưng về mặt hình thức thì nó giống công ty TNHH hai thành viên. Các thành viên rất tin tưởng với nhau trong việc kinh doanh mới có thể hùn hạp để thành lập công ty hợp danh.
2. Thủ tục thành lập công ty hợp danh
2.1. Chuẩn bị hồ sơ
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
– Điều lệ công ty.
– Danh sách thành viên.
– Bản sao các giấy tờ sau đây:
a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên công ty là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
b) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Số lượng hồ sơ: 1 bộ.
2.2. Nộp hồ sơ
Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo phương thức sau đây:
- Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh;
- Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;
- Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (https://dangkykinhdoanh.gov.vn).
Trường hợp ủy quyền thành lập công ty hợp danh:
- Trường hợp ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp phải có văn bản ủy quyền có chữ ký giữa hai bên, không cần công chứng;
- Trường hợp ủy quyền cho tổ chức phải có hợp đồng cung cấp dịch vụ và văn bản ủy quyền của cá nhân người được cử đến đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp.
Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.