Thủ tục đăng ký kinh doanh công ty theo quy định
Mục lục
Để hợp pháp hóa sự ra đời của doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh công ty tại Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là một thủ tục hành chính bắt buộc. Việc này nhằm tạo điều kiện pháp lý để doanh nghiệp có thể thực hiện các công việc về sau dưới sự quản lý và điều chỉnh của pháp luật. Vậy thủ tục đăng ký kinh doanh sẽ diễn ra như thế nào?
Điều kiện để thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh
Trước khi tiến hành thủ tục đăng ký kinh doanh, xác định các điều kiện để tiến hành là yếu tố rất quan trọng, quyết định đến kết quả sau này. Điều kiện để thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, cần dựa trên các tiêu chí sau:
- Chủ thể thành lập doanh nghiệp: Tất cả các cá nhân, tổ chức đều có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Về ngành nghề kinh doanh: Doanh nghiệp được kinh doanh tất cả các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Đối với trường hợp kinh doanh mã ngành, nghề có điều kiện, cần có giấy phép con căn cứ tại Điều 7 Luật Đầu tư.
- Về tên doanh nghiệp: Tên doanh nghiệp phải viết bằng tiếng Việt, gồm 02 thành phần tên và loại hình doanh nghiệp. Cụ thể về cách đặt tên quy định từ Điều 38 đến Điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Về trụ sở chính của doanh nghiệp: Doanh nghiệp sẽ đặt trụ sở chính có địa chỉ rõ ràng, xác định theo địa giới hành chính ở Việt Nam.
- Hồ sơ đăng ký kinh doanh phải hợp lệ: Điều này đã được quy định tại khoản 20 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Nộp đủ lệ phí kinh doanh: Doanh nghiệp phải nộp đủ lệ phí, trừ các trường hợp được miễn.
Thủ tục đăng ký kinh doanh công ty
Để thành lập công ty, các chủ thể sẽ phải tiến hành làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Cơ quan đăng ký kinh doanh. Quy trình của công việc này được khái quát cụ thể như sau:
Bước 1: Chọn loại hình doanh nghiệp
Chọn loại hình doanh nghiệp là yếu tố cần thiết bởi nó liên quan đến cách thức hoạt động và quá trình quản lý công ty. Hiện nay, có 04 loại hình doanh nghiệp chính ở Việt Nam, bao gồm:
- Công ty TNHH (Công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên).
- Công ty hợp danh.
- Công ty cổ phần.
- Doanh nghiệp tư nhân.
Sau khi xác định được loại hình doanh nghiệp, các chủ thể sẽ tiến hành chuẩn bị hồ sơ để làm thủ tục. Chi tiết hồ sơ thành lập công ty được quy định cụ thể tại Điều 19, 20, 21, 22 Luật Doanh nghiệp 2020.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Hoàn tất bước thứ nhất, doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của công ty. Hình thức nộp hồ sơ dựa theo căn cứ quy định tại Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020. Theo đó, có những cách thức như sau:
- Nộp trực tiếp.
- Nộp trực tuyến qua mạng Internet.
- Nộp qua đường bưu điện.
Bước 3: Xem xét, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ
Sau khi tiếp nhận, chuyên viên Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ tiến hành kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký kinh doanh. Sau đó bàn giao giấy biên nhận cho doanh nghiệp, trong đó có thông tin ghi rõ ngày trả kết quả đăng ký kinh doanh. Từ đó, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào lịch hẹn và đến Phòng Đăng ký kinh doanh để nhận kết quả.
Đối với trường hợp đăng ký giấy phép kinh doanh qua hình thức trực tuyến, các tổ chức, cá nhân sẽ không phải đến tận nơi mà sẽ được nhận email thông báo sau 03 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh.
Bước 4: Trả kết quả
Kết quả đăng ký thành lập công ty sẽ được dựa trên 02 trường hợp, cụ thể như sau:
- Trường hợp 1: Nếu hồ sơ đăng ký kinh doanh đáp ứng yêu cầu của pháp luật, doanh nghiệp sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Trường hợp 2: Nếu hồ sơ đăng ký kinh doanh có nhầm lẫn, thiếu sót, doanh nghiệp sẽ được bên Phòng Đăng ký kinh doanh phản hồi. Khi đó, các chủ thể phải sửa soạn lại hồ sơ và phải chờ thêm 03 ngày làm việc để nhận kết quả.
Lệ phí đăng ký kinh doanh
Đăng ký kinh doanh công ty là một thủ tục hành chính. Do đó, người nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh phải đóng đầy đủ các khoản phí, lệ phí theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ – CP. Hiện nay, lệ phí công bố nội dung đăng ký thành lập doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là 100.000 đồng/lần.
Về cách thức nộp các khoản phí này sẽ được thông qua 03 hình thức, cụ thể như sau:
- Nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh.
- Sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử.
- Chuyển đến số tài khoản của Phòng Đăng ký kinh doanh.