Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh theo quy định Luật Doanh nghiệp mới
Mục lục
Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh là thủ tục được quan tâm và thực hiện rất nhiều. Vì hộ kinh doanh là mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, được pháp luật công nhận, bảo hộ; phù hợp với nhu cầu thương mại của đại đa số người dân. Năm 2021 đánh dấu sự thay đổi về các quy định điều hoạt hoạt động thương mại, Luật Doanh nghiệp 2020 đã được áp dụng, liệu mô hình hộ kinh doanh có sự thay đổi gì về mặt pháp lý hay không? Cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu ngay trong nội dung bài viết dưới đây
Thay đổi một số quy định điều chỉnh hoạt động của hộ kinh doanh
Tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp, pháp luật vẫn có hướng dẫn chi tiết đối với hộ kinh doanh tại Chương VIII, theo đó tuy thủ tục đăng ký hộ kinh doanh chưa có thay đổi nào rõ rệt, nhưng đặc điểm mô hình kinh doanh này xuất hiện một số thay đổi về:
Thứ nhất, chủ thể hoạt động hộ kinh doanh
Theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP:
“Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.”
Như vậy, hiện tại chỉ có cá nhân hoặc hộ gia đình có quyền thành lập hộ kinh doanh. Ngoài ra, một thành viên trong gia đình sẽ được ủy quyền từ các thành viên còn lại để đại diện của hộ kinh doanh gia đình,
Thứ hai, về địa điểm kinh doanh
Theo quy định cũ, hộ kinh doanh chỉ được phép đăng ký kinh doanh tại một địa điểm. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 86 Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã thay đổi quy định này, cụ thể: “Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.”
Thứ ba, về số lượng lao động của hộ kinh doanh
Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định hộ kinh doanh chỉ có tối đa 10 lao động. Tuy nhiên, đến Nghị định 01/2021/NĐ-CP đang có hiệu lực thì chưa có bất kỳ quy định nào giới hạn số lượng lao động trong hộ kinh doanh.
Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh mới
Luật Doanh nghiệp 2020 vẫn chưa công nhận hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi hoạt động kinh doanh với mô hình này, bạn vẫn cần làm thủ tục đăng ký hộ kinh doanh với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trừ trường hợp:
- Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh
- Các hoạt động kinh doanh không cần đăng ký theo quy định pháp luật
Hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh bao gồm các tài liệu được hướng dẫn tại khoản 2 Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP:
“a) Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;
b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
c) Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
d) Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.”
Thời gian để cơ quan đăng ký kinh doanh kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh là 03 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Khi thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh, bạn nên tham khảo và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đúng với ngành nghề mà mình hoạt động.