Thỏa thuận góp vốn thành lập công ty cổ phần
Mục lục
Thỏa thuận góp vốn thành lập công ty cổ phần là thoả thuận giữa các thành viên về việc số vốn góp mà các cổ đông bỏ ra để cùng nhau khi thành thành công ty cổ phần. Việc thoả thuận này thường lập thành văn bản và được ký kết trước khi thành lập công ty cổ phần.
1. Công ty cổ phần
Theo quy định tại Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần mang các đặc điểm sau:
“1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.
2. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
3. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.”
Với khái niệm như trên thì công ty cổ phần có những đặc điểm sau:
– Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp linh động trong việc kêu gọi vốn đầu tư.
– Các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ của mình trong phạm vi phần vốn góp nên sẽ hạn chế tối đa nhất về rủi ro cho các cổ đông;
– Việc chuyển nhượng phần vốn góp của các cổ đông trong công ty cổ phần khá dễ dàng;
– Đối tượng tham gia mua cổ phiếu của công ty cổ phần cũng khá rộng rãi;
– Cơ cấu vốn của công ty cổ phần khá linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người cùng kinh doanh;
– Có thể đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh.
2. Thoả thuận góp vốn thành lập công ty cổ phần
Việc thoả thuận góp vốn được lập thành văn bản có đầy đủ chữ ký của các cổ đông.
Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản nêu trên mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.
- Đối với tiền: Có thể thực hiện góp vốn bằng hình thức tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản công ty đối với cổ đông là cá nhân; Đối với cổ đông là tổ chức thì cần chuyển khoản vào tài khoản công ty. Số tài khoản công ty phải được thông báo cho cơ quan thuế có thẩm quyền quản lý;
- Đối với các tài sản khác:
- Quyền sử dụng đất, tài sản có đăng ký quyền sở hữu thì phải tiến hành làm thủ tục chuyển đổi quyền sở hữu, quyền sử dụng đó. Việc chuyển đổi trong tình huống này không phải chịu lệ phí trước bạ;
- Đối với các tài sản khác thì việc góp vốn phải có biên bản giao nhận.
Quy định về góp vốn thành lập công ty cổ phần được quy định rõ tại Điều 113 Luật doanh nghiệp 2020 như sau:
- Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc cổ đông thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần đã đăng ký mua.
- Trong thời hạn từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đến ngày cuối cùng phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua quy định tại khoản 1 Điều này, số phiếu biểu quyết của các cổ đông được tính theo số cổ phần phổ thông đã được đăng ký mua, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
3. Thủ tục góp vốn thành lập công ty cổ phần
Sau khi thoả thuận góp vốn thành công thì các cổ đông phải tiến hành thanh toán đủ số cổ phần đã thoả thuận trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc thanh toán đối với các cổ đông công ty.
Sau thời hạn nêu trên, những tình huống phát sinh được pháp luật xử lý như sau:
- Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty. Và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;
- Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua sẽ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán. Không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;
- Số cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán.
Mẫu văn bản thoả thuận góp vốn thành lập công ty cổ phần phải đảm bảo các nội dung sau:
- Thông tin ngày tháng, địa chỉ lập biên bản góp vốn;
- Thông tin cá nhân của các cổ đông góp vốn;
- Các thoả thuận góp vốn như:
- Loại tài sản sử dụng để góp vốn;
- Giá trị và thời gian cam kết góp vốn;
- Phương thức góp vốn;
- Thời gian cam kết góp vốn hoàn tất.