Thành lập doanh nghiệp mới cần những thủ tục pháp lý gì?
Mục lục
Thành lập doanh nghiệp mới là nhu cầu của nhiều nhà đầu tư khi muốn tiếp cận và mở rộng thị trường kinh doanh. Tuy nhiên, để công ty được bảo đảm quyền lợi cũng như chịu sự bảo hộ của Nhà nước, việc hoàn tất các thủ tục pháp lý là rất quan trọng. Có thể nói, đây là cơ sở đánh dấu sự kiện “khai sinh hợp pháp” của các doanh nghiệp. Vậy những thủ tục đó là gì?
Điều kiện để thành lập doanh nghiệp là gì?
Để hoàn tất thủ tục thành lập công ty mới, doanh nghiệp cần đáp ức các điều kiện cơ bản theo quy định của pháp luật cụ thể như sau:
Về tên doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp là tên tiếng Việt gồm 02 thành tố gồm loại hình doanh nghiệp và tên riêng theo Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020. Đối với tên nước ngoài, tên chi nhánh, văn phòng đại diện các điều cấm trong việc đặt tên doanh nghiệp sẽ được quy định lần lượt tại Điều 38, 39, 40, 41.
Về trụ sở doanh nghiệp. Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, được xác định theo địa giới đơn vị hành chính.
Vốn điều lệ. Vốn điều lệ áp dụng cho loại hình công ty cổ phần, công ty TNHH và công ty hợp danh. Theo đó, nếu là CTCP, vốn điều lệ được xác định là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty. Nếu là công ty hợp danh hoặc công ty TNHH vốn điều lệ sẽ là tổng giá trị tài sản do các thành viên, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty.
Ngành, nghề kinh doanh. Doanh nghiệp được tự do kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, cần lưu ý đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và bị hạn chế đầu tư.
Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp bao gồm những gì?
Hiện nay, ở Việt Nam có 04 loại hình doanh nghiệp phổ biến, bao gồm doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần. Theo đó, muốn đăng ký thành lập doanh nghiệp thì người thực hiện cần chuẩn bị hồ sơ để tiến hành các thủ tục pháp lý của từng loại doanh nghiệp. Các tư liệu này được quy định lần lượt tại các Điều 19, 20, 21, 22 Luật Doanh nghiệp 2020.
Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.
Hồ sơ đăng ký thành lập công ty hợp danh
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty.
- Danh sách thành viên.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên.
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.
Hồ sơ đăng ký thành lập công ty TNHH
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty.
- Danh sách thành viên.
- Bản sao các giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.
- Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự.
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.
Hồ sơ đăng ký thành lập công ty cổ phần
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty.
- Danh sách cổ đông sáng lập, danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, người đại diện theo pháp luật.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.
- Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.
Trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp mới
Để thành lập doanh nghiệp, chủ đầu tư cần thực hiện theo quy trình sau đây:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Sau khi đáp ứng các điều kiện đã nêu về tên, trụ sở, vốn điều lệ và ngành nghề kinh doanh cùng với hoàn tất chuẩn bị hồ sơ, các chủ thể sẽ tiến hành nộp hồ sơ đến Cơ quan đăng ký kinh doanh. Việc nộp hồ sơ có thể thực hiện theo một trong các phương thức dưới đây:
- Nộp trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và Đầu tư.
- Qua đường bưu điện.
- Qua mạng thông tin điện tử.
Bước 2: Xem xét và giải quyết hồ sơ
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Nếu hồ sơ không hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thông báo nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp bằng văn bản. Trong trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản đến người đăng ký thành lập và nêu rõ lý do từ chối.