Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài
Mục lục
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới thông qua các hiệp ước quốc tế, thỏa thuận song phương, các quy tắc quốc tế thì việc thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài là động lực để phát triển nền kinh tế trong nước và hội nhập quốc tế.
1. Công ty có vốn đầu tư nước ngoài
Theo Luật đầu tư 2020 nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập công ty thông qua hai hình thức đầu tư bao gồm:
Đăng ký thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài theo thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Thành lập công ty nước ngoài theo thủ tục nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, vốn góp của công ty Việt Nam.
Công ty có vốn đầu tư nước ngoài có những ưu điểm như sau:
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ có tài chính ổn định, ít rủi ro hơn khi có các đối tác nước ngoài có tiềm lực kinh tế mạnh, giảm thiểu nguy cơ khả sản.
Doanh nghiệp được tiếp cận công nghệ, kỹ thuật, phương thức tiên tiến. Thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ để có những sản phẩm có chất lượng tốt.
Nắm bắt xu hướng thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đưa sản phẩm của Việt Nam ra thế giới.
Tuy nhiên ngoài những ưu điểm trên thì công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng có những nhược điểm như sau:
- Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn nước ngoài dễ làm cho doanh nghiệp mất tính độc lập, tự chủ.
- Việc tiếp nhận các thành tựu khoa học công nghệ có thể dẫn đến nguy cơ không tương thích giữa kỹ thuật trong nước và kỹ thuật nước ngoài.
Điều kiện để thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài:
Theo quy định tại Luật Đầu tư 2020 và Biểu cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO, để thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các chủ thể cần đáp ứng điều kiện sau:
- Điều kiện về chủ thể: Người nước ngoài khi thành lập công ty tại Việt Nam phải từ đủ 18 tuổi trở lên, đủ năng lực hành vi dân sự, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang chấp hành án phạt. Đồng thời, cá nhân, tổ chức này có quốc tịch thuộc thành viên trong WTO.
- Điều kiện để tiếp cận thị trường: Không được kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật cấm căn cứ theo Điều 6 Luật Đầu từ 2020. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải tuân thủ cam kết 318/WTO/CK Biểu mẫu cam kết gia nhập WTO của Việt Nam trong phạm vi hoạt động, dịch vụ kinh doanh.
2. Hồ sơ thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài
Trình tự thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định trong Luật đầu tư 2020 và cụ thể trong Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ nộp đến cơ quan đăng ký đầu tư, bao gồm:
– Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận.
– Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư: bao gồm các hồ sơ:
- Đối với cá nhân: Bản sao có chứng thực hộ chiếu của cá nhân nước ngoài. Hợp đồng thuê trụ sở công ty, địa điểm thực hiện dự án đầu tư. Bản sao kê hợp pháp số dư tài khoản ngân hàng tương ứng với số vốn góp vào công ty sẽ thành lập tại Việt Nam;
- Đối với tổ chức: Bản sao giấy phép đăng ký kinh doanh có chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự. Báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc có xác nhận của cơ quan thuế trong 02 năm gần nhất, hợp pháp hóa lãnh sự. Bản sao chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện có chứng thực. Điều lệ của công ty chủ quản. Văn bản ủy quyền của tổ chức cho người đại diện phần vốn góp tại công ty dự tính thành lập tại Việt Nam. Hồ sơ chứng minh kinh nghiệm và năng lực tài chính của nhà đầu tư nước ngoài.
Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
3. Thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nêu trên, các cá nhân, tổ chức sẽ tiến hành thủ tục thành lập công ty. Việc thực hiện sẽ dựa theo các bước sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ thành lập công ty: Nộp hồ sơ đăng ký tại Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ: Sau khi tiếp nhận, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ xem xét đến tính hợp lệ và đầy đủ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu hồ sơ chưa đủ điều kiện, doanh nghiệp sẽ nhận được thông báo bằng văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung.
Tùy từng ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp có thực hiện bước xin giấy phép kinh doanh hay không. Những ngành nghề kinh doanh có điều kiện bắt buộc phải xin giấy phép kinh doanh.
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;
- Giải trình đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật, xác nhận kinh nghiệm;
- Bản thuyết minh năng lực tài chính có xác nhận chứng thực của ngân hàng;
- Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Từ 25 – 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.