Quy trình thành lập doanh nghiệp tư nhân
Mục lục
Doanh nghiệp tư nhân là loại doanh nghiệp do cá nhân làm chủ và nó mang nhiều đặc điểm của loại hình doanh nghiệp mang tính chất cá nhân, đơn giản, dễ điều hành. Chính vì lẽ đó mà quy trình thành lập doanh nghiệp tư nhân cũng không quá phức tạp. Nếu bạn có bất cứ khó khăn nào trong việc thành lập doanh nghiệp tư nhân đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi.
1. Điều kiện thành lập doanh nghiệp tư nhân
– Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân hoặc 1 hộ kinh doanh hay công ty hợp danh, vì vậy chủ doanh nghiệp tư nhân không thể đồng thời là thành viên của hộ kinh doanh và công ty hợp danh.
– Doanh nghiệp tư nhân tự chịu trách nhiệm vô hạn đối với những khoản nợ hay nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp có phát sinh.
– Không được huy động vốn bằng các hình thức như kêu gọi góp vốn, phát hành cổ phiếu, trái phiếu, hay chứng khoán.
– Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
– Chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ là đương sự trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp.
– Tên doanh nghiệp phải đúng với quy định của pháp luật về tên doanh nghiệp.
– Trụ sở công ty phải ở trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, quận,huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
– Ngành nghề kinh doanh thuộc những ngành nghề mà pháp luật không cấm, nếu ngành nghề kinh doanh có điều kiện doanh nghiệp cần phải đáp ứng những điều kiện theo quy định của pháp luật thì mới được tiến hành hoạt động kinh doanh.
– Chủ thể thành lập doanh nghiệp không thuộc các trường hợp bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
2. Quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân có thể xem là tài sản riêng của chủ sở hữu doanh nghiệp, theo đó chủ sở hữu sẽ có toàn quyền quản lý, quyết định đối với doanh nghiệp mà không bị ràng buộc bởi bất cứ bên nào. Theo quy định tại Điều 190 Luật Doanh nghiệp 2020, việc quản lý doanh nghiệp tư nhân được hướng dẫn như sau:
“1. Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
2. Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; trường hợp này, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.
3. Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”
3. Quy trình thành lập doanh nghiệp tư nhân
Để thành lập doanh nghiệp tư nhân, nhà đầu tư cần có giai đoạn chuẩn bị hồ sơ bao gồm đặt tên doanh nghiệp, lựa chọn ngành nghề dự định kinh doanh, vốn điều lệ, địa điểm để đặt trụ sở. Sau khi giai đoạn này hoàn tất, nhà đầu tư tiến hành các bước thành lập công ty theo trình tự quy định.
Bước 1: Soạn thảo hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân
Số lượng hồ sơ: 01
Thành phần hồ sơ bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp tư nhân;
- Bản sao hợp lệ giấy tờ chứng thực cá nhân của chủ doanh nghiệp: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực;
- Văn bản ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ và nhận kết quả nếu không phải là người đại diện theo pháp luật.
Bước 2: Nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân tại cơ quan có thẩm quyền
Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp qua trang điện tử theo quy trình trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 3: Nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh
Sau khi được chấp thuận, doanh nghiệp hoặc người được uỷ quyền nộp trực tiếp bản cứng tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và nhận kết quả là giấy đăng ký kinh doanh.
3. Hồ sơ đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân
Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán, tặng cho, để lại thừa kế đối với doanh nghiệp mà mình sở hữu. Khi thực hiện những hoạt động này thì chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân cần thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân.
Khoản 1 Điều 54 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có hướng dẫn thành phần hồ sơ ở trường hợp này bao gồm:
“a) Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp có chữ ký của người bán, người tặng cho và người mua, người được tặng cho doanh nghiệp tư nhân đối với trường hợp bán, tặng cho doanh nghiệp tư nhân; chữ ký của người thừa kế đối với trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết;
b) Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người mua, người được tặng cho doanh nghiệp tư nhân, người thừa kế;
c) Hợp đồng mua bán hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc mua bán trong trường hợp bán doanh nghiệp tư nhân; hợp đồng tặng cho trong trường hợp tặng cho doanh nghiệp tư nhân; bản sao văn bản xác nhận quyền thừa kế hợp pháp của người thừa kế trong trường hợp thừa kế.”