Những thông tin đăng ký kinh doanh quan trọng
Mục lục
Ngày nay, số lượng doanh nghiệp với quy mô lớn nhỏ khác nhau xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, để giữ vị thế quan trọng so với đối tác cũng như khách hàng, doanh nghiệp khi đầu tư ngành, nghề thuộc lĩnh vực bất kỳ thì nên trang bị đầy đủ thông tin đăng ký kinh doanh. Những vấn đề này thường là thủ tục thành lập, hồ sơ giấy tờ, điều kiện kinh doanh,… Bài viết dưới đây sẽ giải thích rõ hơn về những vấn đề này.
Vai trò của việc tìm hiểu thông tin về đăng ký kinh doanh
Trên thực tế, đăng ký kinh doanh là một thủ tục pháp lý khá phức tạp với nhiều vấn đề kéo theo. Do vậy, việc tìm hiểu kỹ các thông tin về đăng ký kinh doanh sẽ đóng vai trò là tiền đề để doanh nghiệp thuận lợi hóa trong quá trình thực hiện. Đồng thời, điều này cũng giúp giảm thiểu những sai sót hoặc vô ý có những hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, nắm bắt những thông tin của quá trình thực hiện đăng ký kinh doanh còn là cách để khẳng định uy tín của mình với các đối tác làm ăn khác. Qua đó góp phần tác động tích cực đến khách hàng, tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Những thông tin đăng ký kinh doanh quan trọng
Như đã đề cập, việc tìm hiểu thông tin đăng ký kinh doanh có vai trò rất quan trọng cho các bước phát triển của công ty. Trong đó, những vấn đề cơ bản doanh nghiệp cần nắm bắt đó là:
Điều kiện thành lập doanh nghiệp
Để thành lập doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân phải đáp ứng khá nhiều điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể như sau:
Điều kiện về đặt tên
Việc đặt tên của doanh nghiệp phải bao gồm 02 thành tố đó là loại hình doanh nghiệp và tên doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải là tên Tiếng Việt và đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 37, 38, 39, 41 Luật Doanh nghiệp 2020.
Điều kiện về ngành, nghề đăng ký
Hiện nay pháp luật không giới hạn những ngành, nghề doanh nghiệp được phép kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp được tự do kinh doanh mọi loại ngành, nghề, trừ trường hợp quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020.
Điều kiện về địa điểm kinh doanh
Trụ sở chính của doanh nghiệp được xác định theo địa giới hành chính trên lãnh thổ Việt Nam, có số điện thoại, số fax, thư điện tử. Đối với doanh nghiệp mở thêm chi nhánh và văn phòng đại diện phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020.
Điều kiện về vốn điều lệ
Hiện nay pháp luật không quy định về mức vốn tối thiểu phải có. Do đó, chủ doanh nghiệp tự quyết định số vốn khi thành lập công ty.
Điều kiện về con dấu
Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức và số lượng con dấu, nhưng phải đảm bảo thông tin về tên và mã số doanh nghiệp.
Hồ sơ thành lập công ty bao gồm những gì?
Hồ sơ thành lập công ty được các cá nhân, tổ chức chuẩn bị sẽ phụ thuộc vào loại hình công ty mà doanh nghiệp muốn đăng ký. Hiện nay, có 04 loại hình doanh nghiệp chính bao gồm doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH một thành viên và TNHH hai thành viên trở lên), công ty cổ phần. Cụ thể những giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ đã được luật định lần lượt tại các Điều 19, 20, 21, 22 Luật Doanh nghiệp 2020.
Thủ tục thành lập công ty sẽ như thế nào?
Tìm hiểu về thông tin đăng ký kinh doanh không thể không nhắc đến thủ tục thành lập. Mặc dù hiện có nhiều loại hình công ty khác nhau, tuy nhiên quy trình thành lập công ty không có quá nhiều sự khác biệt, tựu chung lại như sau:
Bước 1: Chọn loại hình công ty
Như đã nêu trên thì có 04 loại hình doanh nghiệp chính. Việc lựa chọn loại hình sẽ tùy thuộc vào số vốn, chiến lược phát triển của công ty,…
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký kinh doanh
Hồ sơ đăng ký kinh doanh đã được quy định tại các Điều 19, 20, 21, 22 Luật Doanh nghiệp 2020.
Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh
Sau khi chuẩn bị các hồ sơ đã nêu trên, người yêu cầu nộp hồ sơ đến Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của công ty.
Bước 4: Thẩm định hồ sơ và nhận kết quả
Theo khoản 5 Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cơ quan Đăng ký kinh doanh sẽ xem xét tính hợp lệ. Nếu hồ sơ đáp ứng đủ yêu cầu thì sẽ cấp cho doanh nghiệp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có thể uỷ quyền làm thủ tục đăng ký kinh doanh không?
Theo quy định pháp luật hiện hành, doanh nghiệp được uỷ quyền cho các cá nhân, tổ chức cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính không phải là công ích thực hiện việc đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 12 Nghị định 01/2021/NĐ – CP như sau:
- Đối với cá nhân: Phải có văn bản uỷ quyền.
- Đối với tổ chức: Phải có bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ.
- Đối với đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính không phải là dịch vụ công ích: Phải có bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ.
- Đối với đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích: Phải có bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ, giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục.